Ở Việt Nam, quyền trẻ em đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 và các bản Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992, năm 2013. Quyền trẻ em cũng được quy định trong nhiều bộ luật và luật, mà tập trung là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009…
Nữ giới cũng được đối xử bình đẳng như nam giới ở mọi quyền con người, quyền công dân; có quyền được sống, được học tập, lao động, được tham gia mọi lĩnh vực đời sống chính trị, xã hội. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ để "nam nữ bình quyền" được khẳng định nhất quán từ Hiến pháp năm 1946. Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW). Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, nước ta đã tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm...
Song song với quy định pháp luật là cơ chế bảo vệ phụ nữ, trẻ em được hình thành trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến cấp xã, thậm chí đến cả khu phố, thôn, ấp. Cùng với hệ thống chính quyền là tổ chức các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Về mặt quy định pháp luật, Việt Nam không thiếu, thậm chí còn là quốc gia tiên phong trong việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
Thế nhưng, trên thực tế còn nhiều chuyện phải bàn, phải suy nghĩ. Rất ít vụ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành được phát hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền mà phần lớn vụ việc được phát hiện bởi báo chí và mạng xã hội. Sau mỗi lần phát hiện vụ việc, các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc, báo chí lên tiếng... thì phụ nữ, trẻ em vẫn tiếp tục là đối tượng yếu thế trong xã hội và tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục... vẫn tiếp tục diễn ra.
Tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về mức độ, số lượng vụ việc. Các cơ quan báo chí đã tốn không ít giấy mực để cảnh báo về sự an toàn của phụ nữ, của trẻ em và sự xuống cấp về đạo đức, ý thức pháp luật của những người trưởng thành. Với những gì đã, đang diễn ra, tôi thấy rằng việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em hiện nay không có phương án xử lý hiệu quả mà thường chạy theo vụ việc. Hết vụ việc, mọi thứ lại đâu vào đấy. Điều đáng nói là với những vụ việc xảy ra, không truy trách nhiệm được cơ quan đầu mối.
Để không còn những vụ việc bạo hành phụ nữ trẻ em, chúng ta đừng nói nữa mà hãy hành động thực chất. Cần giao hẳn một đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm, không giao kiểu chung chung như vừa qua. Khi xảy ra vụ việc thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nào thì người có thẩm quyền của cơ quan đó chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự. Chúng ta phải quyết liệt, phải giao nhiệm vụ và truy trách nhiệm thì mới mong bảo vệ phụ nữ, trẻ em một cách hiệu quả.
Bình luận (0)