Quả là một con số ấn tượng trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch Covid-19! Tuy nhiên, VASEP cũng đưa ra một cảnh báo đáng lo ngại: Giữa tháng 7-2021, làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh ở TP HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long, công suất sản xuất chung của cả vùng chỉ còn 30%-40%... Xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm 2021 chắc chắn sẽ tuột dốc.
Ảnh minh họa: NGỌC TRINH
Thị trường trong nước cũng không mấy khả quan, kết nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất bị gián đoạn nghiêm trọng. Điều này dẫn đến ùn ứ sản phẩm, mất giá, phải thu hẹp sản xuất. Theo báo cáo của một số tỉnh ven biển phía Nam, lượng hải sản được ngư dân đánh bắt về tiêu thụ rất chậm, giảm chất lượng nên giá trị cũng giảm.
Dịch bệnh dự báo còn kéo dài nên thưc trạng này nếu không sớm khắc phục thì gây hậu quả không hề nhỏ. Đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm đã đành mà quan trọng hơn là có thể đánh mất luôn động lực để ngư dân vươn khơi. Ngư dân Việt Nam đưa tàu ra biển trước tiên là vì sinh kế, ngoài ra họ còn có nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Sự hiện diện của những con tàu Việt Nam trên biển là lời khẳng định chủ quyền quốc gia thuyết phục nhất mà khó có sự biện dẫn nào sánh được.
Việt Nam là một quốc gia về nông nghiệp và đông dân, hướng chiều dài đất nước ra biển Đông. Sự ưu đãi về vị trí địa lý này đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn để phát triển kinh tế biển, quốc phòng biển và cả tầm nhìn chiến lược hướng ra thế giới từ biển. Ở góc độ sinh kế, thủy hải sản nói riêng và nông nghiệp nói chung là lĩnh vực kinh tế nền tảng trong quá khứ và hiện tại. Lĩnh vực này cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho xuất khẩu, tạo sự ổn định về dân sinh và là hậu phương vững chắc cho sự phát triển chung của các đô thị. Hiện đại hóa nông nghiệp, nâng giá trị ngành thủy sản là chiến lược chúng ta đặt ra từ vài thập kỷ qua nhưng chưa đạt kỳ vọng. Mục tiêu không quá khó hình dung, bởi nó rất cụ thể là người nông dân sống tốt với nghề nghiệp và có thể làm giàu với sản phẩm do mình làm ra.
Ví dụ để so sánh, cùng đánh bắt cá ngừ đại dương nhưng giá bán của ngư dân Việt Nam chỉ bằng 1/7, thậm chí 1/10 so với Nhật Bản. Lý do mà ai cũng biết là chất lượng cá ngừ của những tàu Nhật Bản cao hơn, bởi cách đánh bắt hiện đại hơn, thiết bị bảo quản tốt hơn, thời gian chế biến đến bàn ăn của người tiêu dùng nhanh hơn. Muốn cạnh tranh với họ là việc quá sức của ngư dân Việt Nam, do đó cần phải được tiếp sức từ nhà nước.
Các loại thủy hải sản khác cũng thế. Ngoài xuất khẩu, chúng ta có một thị trường hơn 90 triệu dân mà nếu phục vụ tốt chẳng lo ngư dân phải khó khăn. Cạnh tranh về giá đã không còn nhiều lợi thế. Nhiều người tiêu thụ ở các đô thị sẵn sàng trả giá cao để có một con cá tươi ngon vừa từ biển lên bàn ăn và rất khó chấp nhận trả giá rẻ cho một con cá mà thời gian ở cùng nước đá còn nhiều hơn ở cùng nước biển.
Nâng chất lượng con cá vừa được đánh bắt không hề đơn giản. Liên quan đến con cá còn là ngư dân, ngư nghiệp và cả vấn đề chủ quyền quốc gia.
Bình luận (0)