Bất động sản là lĩnh vực quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Ở TP HCM, bất động sản là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển.
Để hỗ trợ giúp doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động sau giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch, cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng với quan điểm phải gỡ tất cả nút thắt để DN "bung" lên.
Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP HCM, chỉ tính riêng ở thành phố có khoảng hơn 170 dự án bất động sản đang bị đình trệ, nếu tháo gỡ được vướng mắc thì sẽ giúp các dự án hồi sinh, góp phần lan tỏa ra cả ngành. Nhất quyết phải gỡ cho bằng được những vướng mắc, bởi đây là bước khởi động đầu tiên cho thị trường này khôi phục, phát triển.
Kinh nghiệm từ nhiều năm qua ở thành phố cho thấy đầu tư công là một trong những lĩnh vực góp phần kích thích tăng tổng cầu của nền kinh tế. Cứ 1 đồng đầu tư công sẽ kích thích đầu tư xã hội từ 8-10 đồng. Nếu giải ngân đầu tư công 50.000-60.000 tỉ đồng/năm sẽ thu hút đầu tư xã hội khoảng 400.000-500.000 tỉ đồng.
Đại hội Đảng bộ XI của thành phố vừa qua cũng ưu tiên chương trình di dời nhà ở, chương trình di dời kênh rạch nhưng thực hiện chưa được như kỳ vọng. Nếu triển khai tốt cũng góp phần kích thích khả năng hồi phục kinh tế. Dù hiện tại mới mở hé cửa kinh tế nhưng "trong nguy có cơ" và qua đại dịch giúp nhìn rõ những bất cập của tất cả lĩnh vực để sắp tới có giải pháp xử lý và phát triển bền vững sau đại dịch.
Nhìn rộng ở góc độ cả nước, rất cần một chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ bài toán vướng mắc, khó khăn về dòng tiền. Cần khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp thông qua những chương trình kích cầu lãi suất, có thể thực hiện trong nhiều năm để tạo dòng tiền, kích thích thị trường bất động sản phát triển, từ đó lan tỏa ra cả nền kinh tế.
Trong khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp bị thiếu hụt dòng tiền trong khi lại vướng nợ xấu không thể tiếp tục vay vốn ngân hàng. Từ kinh nghiệm của giai đoạn 2010-2012, có thể triển khai giải pháp cung cấp tín dụng cho những doanh nghiệp bị nợ đọng, quá hạn, không còn khả năng vay mới nhưng có phương án kinh doanh khả thi, có khả năng phục hồi để tạo dòng tiền cho họ có cơ hội hoạt động trở lại.
Giải pháp này xuất phát từ một chương trình phục hồi kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, còn gọi là chương trình "tay 3" gồm nhà nước, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nếu xây dựng phương án vay tốt, được thẩm định và được cấp vốn thì có thể làm ra tiền trả nợ cũ, cũng như nợ mới. Chúng tôi gọi là "nuôi nợ để đòi nợ".
Ngân hàng thương mại không sợ mất tiền nhưng sợ trách nhiệm nếu khoản vay không đúng quy định. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM đã phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý từng dự án cụ thể, linh hoạt sáng tạo gỡ khó, cứu nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thay vì "chết" thì phục hồi phát triển, trả được nợ cũ, không vướng nợ quá hạn.
Nếu giờ triển khai theo mô hình trên sẽ cứu rất nhiều doanh nghiệp, qua đó giúp kinh tế phục hồi tốt hơn.
Bình luận (0)