Họ đến với những bệnh viện có bệnh nhân Covid-19 để cùng các y - bác sĩ hỗ trợ chăm sóc, chữa trị giữa lúc mạng lưới y tế thành phố đang bị quá tải bởi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các ma-xơ, ni cô, thầy dòng... với tu phục và trang bị y tế đi vào thực hiện sứ mệnh cứu người đem đến một hình ảnh đẹp, gợi cảm giác an tâm nhất định cho cộng đồng. Bởi ai cũng hiểu trong bối cảnh này, người bệnh nặng không chỉ cần đến sự chăm sóc sức khỏe thể chất mà còn cần cả những chăm lo, động viên sức khỏe tinh thần để vượt qua sự khốc liệt của bệnh tật.
Với khả năng được đào luyện trong môi trường thiện nguyện, bao gồm cả nghiệp vụ chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm lý, các tu sĩ sẽ là một nguồn lực quý báu góp thêm vào nguồn năng lượng tích cực để cộng đồng, thành phố ra sức chống lại sự hoành hành của SARS-CoV-2.
Việc huy động nguồn lực này một cách chính thức của TP HCM cũng là một đột phá trong kinh nghiệm và là phương thức rất đáng để các tỉnh, thành khác có bước chuẩn bị trong điều kiện nguồn lực bộ máy y tế công còn chưa thực sự đủ mạnh trước khả năng lây lan, nguy cơ "lấn lướt" của SARS-CoV-2. Đây cũng là một bước tiến để đi đến xã hội hóa nguồn lực chống dịch trong bối cảnh hiện tại nói chung.
Ở đó, việc khơi và mở các nhóm dịch vụ chăm sóc y tế xã hội hóa, mạng lưới hỗ trợ, tư vấn chăm sóc y tế đa khoa tư nhân cũng cần được tháo gỡ dần các thủ tục, chọn lọc và kích hoạt kịp thời. Vì trong thời điểm này, phải nhận thấy rằng bên cạnh bệnh nhân Covid-19 cần điều trị cấp thời, hàng loạt bệnh nhân mắc những bệnh mạn tính, ung thư, điều trị tâm lý... cũng cần được chăm sóc, tư vấn khi cánh cửa của hệ thống bệnh viện truyền thống buộc phải hạn chế để tránh sự xâm nhập và phát tác của virus.
Trong thời gian qua, có một tín hiệu tích cực khác đó là trong cộng đồng mạng xã hội đã hình thành những nhóm bác sĩ tình nguyện tư vấn, thăm khám miễn phí cho các bệnh nhân mắc những chứng bệnh khác mà nhất thời không thể đến bệnh viện theo dõi định kỳ. Những sự quy tụ, kết nối và hỗ trợ này hết sức ý nghĩa đối với người dân trong giai đoạn phải cách ly, phong tỏa.
Đáng nói, thông qua mạng lưới này, có thể nhận thấy phương tiện công nghệ đã trở thành một nhịp cầu làm cho bác sĩ và bệnh nhân gần nhau hơn. Đây cũng là một gợi ý về hình thức xây dựng các nền tảng chăm sóc y tế đa ngành trong hoàn cảnh sau đại dịch hoặc trong những tình huống khẩn cấp.
Ngay trong các nhóm xã hội nhỏ như ở một khu dân cư, một chung cư có hàng ngàn căn hộ, khi có người nhiễm bệnh, cư dân và ban quản lý cũng đã có thể tạo ra các nhóm thiện nguyện, kêu gọi cư dân làm việc trong lĩnh vực y tế kịp thời có những chia sẻ, hỗ trợ để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Nguồn lực xã hội trong chăm sóc y tế được gợi mở và khai thông một cách tự nhiên, bằng những tấm lòng và thiện chí chia sẻ trong tình xóm giềng, tình nghĩa thị dân và bằng những chủ trương có tính nhân văn, thực tế.
Tất cả những điều đó sẽ tạo ra nguồn sức mạnh lớn giúp TP HCM vượt qua những khó khăn hiện tại và nhanh chóng khống chế đại dịch Covid-19 một cách hiệu quả.
Bình luận (0)