Ngoài 2 tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số như dự thảo ban đầu, còn xem xét thêm những vấn đề như vị trí địa chính trị, lịch sử, văn hóa, truyền thống và lối sống của cộng đồng dân cư, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quy hoạch vùng và quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế...
Cuộc họp báo sáng 19-7 cung cấp thông tin về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh - Ảnh: MINH CHIẾN
Từ sau năm 1976 đến nay, nước ta đã nhiều lần nhập, tách tỉnh. Năm 1976 có 38 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; năm 1979 tăng lên 40; năm 1989 có 44 tỉnh, thành; năm 1991 có 53 tỉnh, thành; năm 1997 lên 61 và năm 2004 lên 64 tỉnh, thành; năm 2008 Hà Tây nhập vào Hà Nội nên từ đó đến nay còn 63 tỉnh, thành (gồm 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương).
Thực tế cũng chỉ ra đã có những bất cập khi một số tỉnh diện tích quá rộng và có sự phân tán, khác biệt trong từng vùng của chính địa phương. Chẳng hạn, tỉnh Bình Trị Thiên hay Thuận Hải, Đắk Lắk trước ngày tách tỉnh, xe đi cả buổi, thậm chí cả ngày, mới qua khỏi địa phận và cũng rất nhiều phiền toái, khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của người dân.
Sau năm 1997, một số tỉnh tách ra đã dần vượt thoát khỏi khó khăn và có những thành tựu đáng kể. Phú Yên, Khánh Hòa giàu mạnh hơn thấy rõ; Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương phát triển nhanh chóng; Quảng Nam có những bước phát triển vững chắc; Bình Dương tách ra từ Sông Bé đã trở thành một địa phương giàu mạnh hàng đầu cả nước...
Nay đặt lại vấn đề sáp nhập tỉnh trong tầm nhìn dài hạn 5-10 năm tới cũng là cần thiết. Có những tỉnh quá nhỏ về diện tích, dân số ít, tổng sản phẩm và thu nhập đầu người toàn tỉnh rất thấp thì sáp nhập cũng là việc nên tính đến. Nhưng cũng có tỉnh nhỏ nhất nước về diện tích như Bắc Ninh nhưng thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 2 cả nước, xếp thứ 6 về tổng sản phẩm trên địa bàn thì có nên sáp nhập không..., đều là những câu hỏi cần được đặt ra, trả lời thỏa đáng.
Mỗi mô hình phát triển, hôm nay đúng nhưng ngày mai chưa chắc đã còn phù hợp, do đó thay đổi cũng là lẽ thường. Không thể cứ giữ mô hình cũ nếu ngay nội tại có sự thay đổi, phát triển. Khi giới hạn địa lý hay những cơ chế trở nên trói buộc thì cần có sự điều chỉnh, thậm chí tháo gỡ mạnh mẽ hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển là tất yếu. Một chiếc áo chật thì phải thay bằng chiếc áo mới rộng hơn, vừa với sức vóc, yêu cầu phát triển.
Nhưng cả tách và nhập đều không phải đưa ra một cách duy ý chí hay dựa vào những con số mang tính cơ học. Theo Bộ Nội vụ, việc sáp nhập tỉnh phải được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, công phu và phải đánh giá tác động nhiều chiều nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia (hiện nay quy hoạch này chưa được cấp có thẩm quyền ban hành) và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, trên tinh thần phải bảo đảm mục tiêu ổn định và phát triển.
Rút kinh nghiệm từ bài học thực tiễn trước đây để cân nhắc thấu đáo cho chủ trương này là cần thiết và đúng đắn.
Bình luận (0)