Công tác này đã được các cấp lãnh đạo quan tâm giải quyết với tinh thần mới là phải đáp ứng bằng được nhu cầu học tập của học sinh chứ không còn là đầu tư theo kế hoạch, định kỳ và dễ bị những biến động thực tế chi phối. Theo Sở GD-ÐT, trung bình hằng năm, mỗi bậc học ở TP HCM tăng 10.000 - 15.000 HS. Tổng số phòng học của thành phố tính đến năm 2022 là 47.623. Ðể đáp ứng nhu cầu, TP HCM đang cần bổ sung gần 9.000 phòng học từ mầm non đến THPT, nâng tổng số phòng học đến năm 2025 lên 56.512.
Con số trên là nỗ lực rất lớn nhưng vẫn còn khoảng cách với mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân như chỉ tiêu đã đặt ra. Phải thừa nhận nhiều năm qua, dù cố gắng nhưng nỗ lực phát triển phòng học chưa đạt yêu cầu. Năm 2003, UBND TP HCM đã ra Quyết định số 02/2003/QÐ-UB với mục tiêu ưu tiên quỹ đất xây trường học để theo kịp tốc độ phát triển của TP. Theo đó, đến năm 2020 sẽ dành hơn 1.900 ha đất dành cho giáo dục. Thế nhưng đến tận năm 2022, khi tổng kết chương trình thì mới thực hiện được hơn 1.000 ha, chỉ đạt khoảng 57% kế hoạch. "Khoảng trống" còn lại rất lớn mà nếu cứ đầu tư theo kế hoạch sẽ khó hoàn thành.
TP HCM là đô thị kinh tế, văn hóa lớn nên dân số cơ học cũng tăng tương ứng. Những số liệu này rất khó dự trù để có sự chuẩn bị chu đáo về trường lớp, giáo viên, chất lượng giảng dạy… Nhưng dù khó đến đâu cũng phải thực hiện để giáo dục được đặt đúng mục tiêu ưu tiên hàng đầu như một quyết sách quan trọng nhất của quốc gia.
Khó khăn lớn nhưng bên cạnh đó cũng sẽ có thuận lợi lớn. Dân số đông nhưng nguồn thu ngân sách thuộc diện cao nhất nước. Quỹ đất hạn hẹp nhưng cũng là nơi tập trung phát triển kinh tế nên dễ kêu gọi xã hội hóa. Mức sống cao nhưng nơi đây cũng thu hút được nhiều người tài, tâm huyết… Nhu cầu rất cấp bách nên buộc phải đặt mục tiêu cao, tinh thần lớn để thực hiện.
Ðây là giai đoạn bứt phá của TP HCM khi đã được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Bước phát triển mới này phải đặt giáo dục ưu tiên tương đồng với các chính sách kinh tế - xã hội khác. Thậm chí chính giáo dục phải được "đặc cách" để làm nền móng cho những kế hoạch 10 năm, 20 năm và xa hơn là trở thành trung tâm của cả khu vực phía Nam. Xin đừng hoài nghi về kế hoạch này, bởi thực tế đã chứng minh qua hàng thế kỷ rằng giáo dục là quyết sách hàng đầu của mọi quyết sách. Phát triển giáo dục ắt sẽ nâng tầm văn hóa. Có lực lượng lao động trình độ cao thì sẽ có nền kinh tế chất lượng tốt. Và không nói đâu xa, nền giáo dục tại TP HCM trước hết cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao cho các kế hoạch kinh tế - xã hội đang mời gọi.
Trường học là những bước ban đầu cho công cuộc gầy dựng một thế hệ công dân ưu tú trong những thập kỷ tiếp theo. Thế hệ công dân này quyết định sự thành bại của xã hội tương lai và không có một bài toán nào thay thế được.
Bình luận (0)