Trong Công văn số 4430 ngày 21-8 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), giáo viên sẽ lựa chọn một trong hai phương án về số môn thi tốt nghiệp THPT đối với học sinh. Một là, gồm 6 môn, trong đó có toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học. Hai là, gồm 5 môn, trong đó có toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, bao gồm cả lịch sử. Khảo sát này trước đó cũng được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm học ở TP HCM, với sự tham gia của đại diện sở GD-ĐT 63 tỉnh, thành.
Một số ý kiến cho rằng môn lịch sử cùng toán, ngữ văn, ngoại ngữ trở thành các môn thi bắt buộc sẽ gây thiệt thòi cho những học sinh lựa chọn tổ hợp tự nhiên. Vì thế, 3 môn bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và thêm 2 môn tự chọn là hợp lý. Sự khác biệt trong hai sự lựa chọn ở chỗ lịch sử là môn bắt buộc hay lựa chọn. Nếu không được lựa chọn là môn thi bắt buộc thì việc đưa môn này trở thành môn học bắt buộc cũng không đem lại tác dụng tích cực. Bởi khi không đưa vào nội dung thi, học sinh sẽ học đối phó, giáo viên cũng sẽ mất hết động lực để dạy, chất lượng môn học sẽ không được nâng lên. Do đó, nếu đã xác định là môn bắt buộc học thì phải bắt buộc thi, nhiều giáo viên cho biết như vậy.
Nhiều năm qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm về việc dạy và học môn lịch sử trong nhà trường; yêu cầu đưa môn học này vào đúng vị trí trong chương trình học phổ thông. Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hình thành phẩm chất, năng lực của người học, thì môn lịch sử góp phần hình thành những phẩm chất, năng lực ấy, đó là hun đúc lòng yêu nước, tinh thần nhân ái, sự chăm chỉ, trung thực và ý thức trách nhiệm. Khi đã trở thành môn học bắt buộc thì không nên đưa ra đề xuất trở thành một môn lựa chọn thi nữa.
Theo các chuyên gia, lịch sử là một môn khoa học không chỉ hàm chứa tri thức của nhân loại mà còn chất chứa tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân với đất nước, dân tộc; là sự tích hợp các giá trị và trở thành một trong những điểm tựa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên con đường phát triển. Không hiểu biết lịch sử, không thể khơi dậy lòng yêu nước, ý chí, hành động bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia; sẽ không có hành trang tự hào về truyền thống để bước vào tương lai, không đủ tự tin để bước đi trong xu thế toàn cầu hóa.
Bất cứ người Việt yêu nước nào cũng hiểu rằng dạy và học lịch sử là để hiểu về truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm. Lịch sử nói riêng và các môn khoa học xã hội nhân văn đều hướng tới mục đích thông qua tri thức được tích lũy qua nhiều thế hệ để xây dựng nhân cách con người.
Do đó, hãy mạnh dạn áp dụng, đưa lịch sử vào môn học và thi bắt buộc như phương án 1. Từ thói quen sẽ hình thành sự yêu thích khi các em học sinh được học, hiểu, càng thêm yêu lịch sử, yêu đất nước nhiều hơn.
Bình luận (0)