Đây là vùng động lực, kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước. Đông Nam Bộ là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm hơn 40% tổng vốn FDI, tốc độ đô thị hóa đạt hơn 67% và nguồn thu ngân sách lớn nhất nước.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị Ngày 7-7, UBND TP HCM tổ chức hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP HCM với các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ ngày 7-7
Những năm vừa qua, các chương trình, nội dung và kết quả hợp tác TP HCM và các tỉnh trong vùng đạt được những kết quả tích cực, có sức lan tỏa trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực và an sinh xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung toàn vùng và cả nước.
Thời gian tới, hợp tác liên vùng và liên kết giữa TP HCM và các tỉnh cần tập trung ưu tiên cho mục tiêu phát triển triển chung, tạo lập không gian kinh tế chung, phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, hàng loạt công trình giao thông, hạ tầng quan trọng có ý nghĩa liên kết vùng đang được tập trung đầu tư sẽ tạo ra không gian phát triển mới, rất cần cơ chế hợp tác mới thực chất, hiệu quả.
Đường Vành đai 3 đi qua 4 địa phương: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là dự án giao thông lớn nhất phía Nam với tổng mức đầu tư gần 76 ngàn tỉ đồng đang được xây dựng. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công. Đây là công trình giao thông trọng điểm, kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hình thành trục giao thông xương sống, giải quyết ùn tắc Quốc lộ 51. Các công trình hạ tầng quan trọng sẽ tạo lập không gian mới để tăng cường liên kết vùng, đòi hỏi một cơ chế hợp tác mới năng động, hiệu quả và thực chất hơn.
Việc tăng cường hợp tác giữa TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ phải lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết hợp tác, hài hòa lợi ích, khuyến khích sự linh hoạt và sáng tạo, bảo đảm tạo lập và củng cố sự tin tưởng lẫn nhau; đồng thời, rất cần sự tham gia, điều phối của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương theo từng lĩnh vực.
Cần nghiên cứu đề xuất xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối và tạo thuận lợi cho các chính quyền địa phương thực hiện liên kết vùng. Đặc biệt, cần tăng cường liên kết vùng trong các lĩnh vực: phát triển cơ sở hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng năng lượng, viễn thông, thương mại; quản lý, khai thác nguồn nước; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; phòng chống dịch bệnh; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
Đó cũng là những lĩnh vực cần ưu tiên cho các chương trình, dự án liên kết hợp tác, tăng cường giám sát việc thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển. Không gian liên kết vùng TP HCM - Đông Nam Bộ cần được tạo dựng thành một không gian phát triển mới có tính gắn kết, phát huy đổi mới, sáng tạo và huy động hiệu quả các nguồn lực.
Bình luận (0)