Ngày 7-7, UBND TP HCM tổ chức hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Đây là lần thứ hai các tỉnh vùng Đông Nam Bộ ngồi lại với nhau, bàn chuyện hợp tác vùng để hiện thực hóa Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị.
Xây dựng mạng lưới y tế vùng
Hơn 3 giờ trao đổi, lãnh đạo các địa phương thống nhất, đồng thuận nhiều nội dung. Ở lĩnh vực y tế, 6 tỉnh, thành nhất trí đề xuất thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vùng Đông Nam Bộ. "Tỉnh thống nhất cao. Việc này sẽ giúp các địa phương trong vùng kết nối, hỗ trợ nhau trong công tác phòng, chống dịch bệnh" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông bày tỏ.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị các tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các dự án với tinh thần chủ động
Đây cũng là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền. Còn Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh sản phẩm đầu tiên của việc hợp tác y tế vùng phải là thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vùng. Từ đó, phát triển mạng lưới y tế của vùng từ dự phòng cho đến chuyên sâu.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết đã xin ý kiến Bộ Y tế và đang chờ quyết định, hướng dẫn của bộ. Trong thời gian này, lãnh đạo Viện Pasteur TP HCM và Viện Y tế công cộng TP HCM sẽ tăng cường phối hợp, nhất là trao đổi thông tin về giám sát dịch bệnh giữa những trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành.
Ông Tăng Chí Thượng nhìn nhận sau thời gian tập trung nguồn lực để ứng phó với đại dịch COVID-19, đã đến lúc ngành y tế các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ cùng nhau rà soát, đánh giá lại năng lực của hệ thống y tế so với nhu cầu thực tế.
Sở Y tế TP HCM sẽ cùng với các viện và bệnh viện đầu ngành tại thành phố xây dựng kế hoạch hợp tác và hỗ trợ cơ sở y tế thuộc các tỉnh Đông Nam Bộ một cách chi tiết, cụ thể với trách nhiệm rõ ràng của mỗi bên để sớm ký kết hợp tác triển khai từ nay đến năm 2025.
Lập quỹ phát triển giao thông
Cần thiết phải có quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng với nguồn vốn hỗn hợp để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm là một nội dung được thống nhất tại hội nghị. Lãnh đạo các tỉnh đều nhìn nhận việc có được một quỹ đầu tư hạ tầng chung cho toàn vùng với cơ chế mở sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và liên kết các địa phương, đặc biệt là đối với vấn đề hạ tầng, giao thông - một yếu tố chưa tương xứng sự phát triển và khai thác tiềm năng của vùng. Vấn đề còn lại là việc thành lập, tổ chức quỹ như thế nào cho phù hợp.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác và hỗ trợ cho cơ sở y tế thuộc các tỉnh Đông Nam Bộ
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, đề xuất 2 phương án. Một là, quỹ do UBND TP HCM thành lập và huy động vốn ngân sách nhà nước (ưu tiên huy động vốn ngân sách của các địa phương và trung ương).
Hai là, Thủ tướng Chính phủ thành lập quỹ và quỹ trực thuộc hoặc gắn kết với Hội đồng Điều phối Vùng Đông Nam Bộ đang trong quá trình thành lập.
Theo ông Vũ, phương án 2 trong bối cảnh hiện nay sẽ khả thi hơn. Quỹ được Thủ tướng Chính phủ thành lập và trực thuộc/gắn kết với Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ sẽ có thẩm quyền đủ mạnh để huy động nguồn lực; bảo đảm tính liên kết, phối hợp giữa các địa phương và các bên liên quan. Nếu được thiết kế phù hợp, quỹ trở thành cơ sở và công cụ hiệu quả để phát huy vai trò của Hội đồng Điều phối vùng.
Đối với vấn đề này, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ chịu trách nhiệm liên hệ với Bộ Tài chính để xin ý kiến. Ông giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM chủ động phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Sở Tài chính các địa phương sớm hoàn thiện phương án trong tháng 7-2023, sau đó làm hội thảo, tiếp xúc với các nhà trợ và trình lại cho các địa phương cùng thống nhất. Trong thời gian hình thành quỹ vùng, TP HCM có thể tận dụng điều khoản tại Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội là "HĐND TP HCM quyết định sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng đánh giá đây là chủ trương đúng đắn nhằm huy động nguồn lực cho các dự án, hạ tầng để phát triển vùng nhanh nhất. Trước mắt, cần cơ chế để 6 tỉnh, thành thực hiện nội dung được sử dụng nguồn ngân sách địa phương tham gia dự án giao thông liên kết vùng.
Kết nối giao thông
Lãnh đạo các địa phương cũng thống nhất triển khai nhiều dự án giao thông. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm thông tin chủ trương kéo dài tuyến metro số 1 về các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương được các tỉnh thống nhất về sự cần thiết đầu tư, phương án tuyến. Sở sẽ xem xét, tham mưu UBND TP HCM các phương án phối hợp, góp vốn đầu tư cần thiết.
Về hệ thống đường sắt, ông Lâm cho biết hiện tại khu vực TP HCM mới có duy nhất tuyến đường sắt Bắc - Nam đang được khai thác với tiêu chuẩn lạc hậu. Do đó, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đang rất được kỳ vọng, nhất là khi sân bay Long Thành dự kiến khai thác vào năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để đạt kết quả cùng với việc khai thác sân bay Long Thành.
Về đường Vành đai 4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông, cho biết tỉnh đã chuẩn bị xong các bước nghiên cứu khả thi, lấy ý kiến.
Vì hiện nay, dự án chưa thống nhất cơ quan đầu mối, ông đề xuất TP HCM với kinh nghiệm làm đầu mối triển khai Vành đai 3 thành công sẽ đảm nhận vai trò này ở dự án Vành đai 4. Có như vậy sẽ kết nối các tỉnh khác triển khai tốt hơn.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định nếu được trung ương giao, TP HCM sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tuy nhiên, các địa phương cần chủ động đề nghị với trung ương một cơ quan đầu mối và việc này sẽ được Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì vào tuần sau.
Khẳng định tầm quan trọng của kết nối giao thông vùng, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị các tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các dự án, trước hết là các dự án đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị, trong đó có tuyến metro số 1 kéo dài, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành với tinh thần chủ động làm việc với bộ, ngành. Đồng thời, các địa phương cũng nên hết sức quan tâm công tác quy hoạch vì nếu quy hoạch đã qua thì sau này rất khó điều chỉnh.
Chủ tịch UBND TP HCM đồng thời đề nghị các địa phương cùng thực hiện Nghị quyết 24/2022, Nghị quyết 31/2023 của Bộ Chính trị với tinh thần "làm sao các tỉnh hợp sức cùng phát triển chứ không phải cạnh tranh nhau".
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực
Giám đốc ĐHQG TP HCM Vũ Hải Quân khẳng định cam kết hỗ trợ các địa phương trong đào tạo nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, y tế.
ĐHQG TP HCM cũng sẽ đồng hành tư vấn, xây dựng, phản biện các chính sách quy hoạch; tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; cam kết nâng cấp các trường đại học, cao đẳng nghề trong khu vực. Từ đó, tạo sức bật tốt hơn cho các trường địa phương.
Hiện ĐHQG TP HCM đang nghiên cứu, xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số vùng, trong đó đào tạo cấp văn bằng với trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ khoảng 7.500 sinh viên/năm.
Bình luận (0)