Ưu đãi dành cho "khách VIP" gồm những gì? Đó là, được cơ quan thuế chủ động gửi văn bản hướng dẫn chính sách mới (thay vì tự cập nhật); được rút ngắn 50% thời gian trả lời vướng mắc về thuế, giải quyết khâu hóa đơn ấn chỉ trong ngày (thay vì 2-3 ngày); được mời dự trực tiếp các buổi tập huấn chính sách thuế mới…
Như vậy là từ vị thế "bề trên" với vai trò quản lý, đôn đốc thu nộp ngân sách và thanh - kiểm tra, xử phạt, cơ quan thuế sẽ thay đổi theo hướng chăm sóc DN, trước hết là những DN nộp thuế cao, nhiều năm liền được nhà nước tuyên dương.
Nếu ngành thuế nói là làm, thì đó là sự chuyển biến tích cực, thay vì như trước nay chỉ thường tuyên bố "lấy DN và người dân đóng thuế làm đối tượng phục vụ".
Thực tế sẽ chuyển biến ra sao, còn phải chờ xem. Nhưng từ chuyện này, có một số vấn đề đáng bàn.
Một là, nộp thuế nhiều hay ít phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có những DN, loại hình DN đóng thuế khiêm tốn do doanh thu ít nhưng hoạt động của DN đó đem lại nhiều giá trị khác cho xã hội, cộng đồng. Có những DN nộp thuế cao nhưng nhờ hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi từ cơ chế, chính sách nhà nước (những ngành kinh doanh độc quyền). Vậy, liệu rằng những "ưu đãi VIP" như trên có công bằng với nhóm DN dù chưa đóng thuế nhiều nhưng vẫn bảo đảm nghĩa vụ thuế, chấp hành tốt pháp luật, tạo ra nhiều công ích?
Hai là, một nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có ngành thuế, là phải phục vụ người dân và DN, vì sự phát triển đất nước. Chính phủ từ nhiệm kỳ 2016-2021 đã hạ quyết tâm đạt cho được mục tiêu xây dựng "Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ hướng tới người dân, DN". Tinh thần phục vụ thể hiện qua nỗ lực triệt để cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân và DN làm thước đo, xem thành công của DN cũng là lợi ích quốc gia. Tức là tinh thần vì người dân, vì DN phải luôn thường trực. Thế nên, lời tuyên bố chuyển hướng phục vụ của cơ quan thuế đã phần nào cho thấy ngành này vẫn còn tư duy đặt mình ở "chiếu trên".
Ba là, cứ kỳ vọng ngành thuế thực sự xem DN là "khách VIP" đi, hãy quan sát xem những ngành gần có như thế không?
Ai cũng đã biết hoạt động sản xuất - kinh doanh - xuất nhập khẩu… của DN có liên quan, nếu không muốn nói là lệ thuộc, vào hàng loạt cơ quan hành chính nhà nước. Cửa này thông mà cửa kia tắc thì DN cũng khóc ròng. Thực tế cho thấy trong mọi cuộc chính quyền đối thoại với DN, các chủ DN đều kêu than rất nhiều. Ví dụ như mảng xuất nhập khẩu, bao nhiêu năm qua, thủ tục hải quan đối với hàng xuất nhập khẩu hầu như không thay đổi, quá nhiều giấy tờ, nặng về xin - cho, DN làm tốt đến mấy cũng phải đáp ứng đủ chừng đó thủ tục. Mà như vậy thì đâu thể gọi là "hành chính phục vụ" được.
Cho nên, dẫu thuế có chuyển biến mà các ngành khác không chuyển biến đồng bộ, thậm chí trì trệ, thì chẳng khác nào cảnh "một người nhấn ga, ba người đạp thắng"!
Bình luận (0)