Rạch Xuyên Tâm là một trong những con rạch quan trọng bậc nhất của thành phố nhưng cũng nằm trong danh sách những con rạch ô nhiễm nặng. Chảy qua những khu dân cư đông đúc nên con rạch này cũng gánh lượng chất thải khổng lồ xả trực tiếp ra môi trường.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều kênh rạch khác trải qua thời gian dài tự phát, thay vì đóng vai trò điều tiết dòng nước, cải thiện môi trường thì lại trở thành gánh nặng của đô thị khi bị ô nhiễm trầm trọng.
Thế nhưng, qua nhiều năm, những "anh em" của nó như hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên… đã và đang được cải tạo chỉnh trang thì rạch Xuyên Tâm vẫn phải chờ đợi.
Nhưng đi sau cũng có lợi thế. Những dự án trước đây thường phục vụ mục tiêu cải thiện môi trường nước là chính. Thực tiễn đã cho ra bài học việc cải tạo kênh rạch phải phục vụ đa mục tiêu: cải thiện môi trường nước, tạo cảnh quan đô thị; mở rộng giao thông hai bên bờ và cả đường thủy; thoát nước giảm ngập ở khu dân cư và xa hơn chính là phục vụ mục tiêu phát kinh tế của thành phố.
Lẽ ra dự án này đã được thực hiện từ năm 2002, sau khi thực hiện dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng tài, lực còn hạn chế nên phải chờ đến ngày nay. Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải mất 19 năm mới hoàn thành (khởi công năm 1993, hoàn thành năm 2012), nhưng với số vốn đầu tư hơn 9.600 tỉ đồng và phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại, việc cải tạo rạch Xuyên Tâm được ấn định thời gian kỷ lục - hoàn thành năm 2028.
Nếu ai đã từng thấy những bức không ảnh của TP HCM hẳn sẽ ngạc nhiên về hệ thống kênh rạch chằng chịt và tuyệt đẹp nơi đây. Hệ thống này trù phú và xen lẫn vào từng khu vực dân cư rất ngoạn mục. Nó vừa đảm nhận công việc thoát nước nhanh chóng vừa đảm nhiệm vai trò giữ nước để điều tiết khí hậu, giữ ẩm cho cả đô thị khổng lồ với diện tích 2.095 km2.
Trải qua thời gian dài phát triển đô thị nóng vội bằng các khu dân cư bê-tông hóa, các nhà quản lý đã sớm nhận ra sự bất cập mà kiểu đô thị này mang lại: bức bối, thiếu không gian tiếp xúc với môi trường, tăng mật độ dân cư, gây ngập diện rộng, khó phát triển giao thông kết nối các vùng... Đến nay, những giá trị của hệ thống sông rạch phải được đánh giá lại nghiêm túc và đây chính là lời giải cho bài toán đô thị bí bách trong thời gian qua.
Chúng ta không dám mơ tưởng TP HCM sẽ như Venice nhưng có thể kỳ vọng một thành phố bước ra thấy sông, trên bến dưới thuyền nếu hệ thống kênh rạch được chỉnh trang toàn bộ. Những dòng kênh này xanh lại thì chắc chắn thành phố sẽ tuyệt đẹp và chất lượng sống của người dân sẽ được nâng cao.
Nếu ai còn nghi ngờ viễn cảnh trên thì hôm nay có thể dạo bước đến Bến Bạch Đằng, thử một tour du lịch bằng thuyền trên sông Sài Gòn, Bình Quới đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Củ Chi… chắc chắn sẽ có câu trả lời thỏa mãn.
Bình luận (0)