Buôn bán tại ngã tư đường Kênh Nước Đen - Ấp Chiến Lược, quận Bình Tân, TP HCM gần chục năm nay, bà Nghiêm Thị Phượng (ngụ quận Bình Tân) cho biết đã "quen và cam chịu" với tình trạng ô nhiễm của kênh Nước Đen.
Thực trạng "trêu ngươi"
Theo bà Phượng, kênh Nước Đen dù có thay đổi so với trước vì được cơ quan chức năng cải tạo nhưng dấu hiệu ô nhiễm đang xuất hiện ngày càng rõ.
"Khoảng 1 năm trước, khi vừa cải tạo xong thì kênh Nước Đen rất sạch sẽ, ai cũng vui. Nhưng gần đây, con kênh bắt đầu dơ, bốc mùi khó tả" - bà Phượng lo ngại. Theo bà, nếu không có biện pháp xử lý thì dòng kênh này trở lại tình trạng như tên gọi của nó.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều đoạn kênh Nước Đen rác thải nổi lềnh bềnh, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Phóng viên mang tới 2 khẩu trang vẫn cảm nhận rõ không khí nơi đây thiếu trong lành. Người dân địa phương cho hay công nhân vệ sinh thường xuyên vớt rác nhưng cứ vớt xong, rác lại xuất hiện bởi vô số nguyên nhân...
Rác thải tràn ngập kênh Nước Đen
Dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen được khởi công vào quý I/2020 với tổng vốn đầu tư 629 tỉ đồng. Công trình có chiều dài 1,4 km, rộng 40 m tính cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh. Dự án hoàn thành sau khoảng 2 năm, góp phần thay đổi bộ mặt, cảnh quan và môi trường dọc hai bờ kênh. Người dân xung quanh tận hưởng sự đổi thay chưa bao lâu thì nay, kênh Nước Đen đứng trước nguy cơ tái ô nhiễm.
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm đi qua các quận 6, 11 và Tân Phú cũng xuất hiện tình trạng nước đen, liên tục sủi bọt và bốc mùi khó chịu. Dọc con kênh đoạn qua khu vực quận 6 có rất nhiều bảng tuyên truyền, nhắc nhở người dân không xả rác nhưng rác thải lẫn lộn với lục bình vẫn là hình ảnh thường thấy như trêu ngươi.
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng xuất hiện tình trạng nước đen, bốc mùi khó chịu
"Con kênh này thời điểm vừa cải tạo rất sạch đẹp, còn bây giờ đang xấu dần. Rác thải nhiều, công nhân ngày nào cũng vớt mà chỉ được chốc lát, mặt nước lại lem nhem... Muốn dòng kênh sạch thì phải xử lý nước thải" - ông Đàm Tấn Lợi (ngụ quận 6) nhận xét.
Nhận diện thủ phạm
Theo PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nguyên nhân nhiều kênh rạch ở thành phố tái ô nhiễm là do chưa tách được nước thải từ các khu dân cư, các khu tiểu thủ công nghiệp.
Hội nghị về đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" giai đoạn 2023 - 2025 do Ủy ban MTTQ thành phố tổ chức chiều 23-8 đã ghi nhận nhiều giải pháp có tính khả thi cao, có thể sớm áp dụng.
Ông Tuấn lấy ví dụ việc cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm chủ yếu là làm bờ kè, di dời nhà ổ chuột, sửa sang đường hai bên. Về bản chất, dòng kênh này vẫn chịu đựng nước thải từ các nguồn khác nhau đổ xuống. Tương tự, nước thải cũng chảy vào kênh Nước Đen để đến nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa gần đó.
PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn cho biết hiện TP HCM chỉ có 2 nhà máy xử lý nước thải hoạt động. Đó là nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa và Bình Hưng với công suất xử lý lần lượt 30.000 và 140.000 m3/ngày đêm. Như vậy, TP HCM chỉ mới xử lý được một lượng nhỏ nước thải; phần lớn còn lại trở thành yếu tố thách thức nỗ lực xanh, sạch hóa kênh rạch.
TS Nguyễn Quốc Bình, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, nhận định có 2 nguyên nhân chính gây ô nhiễm hệ thống kênh rạch của thành phố. Thứ nhất, hầu hết các khu dân cư cũ chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt. Thứ hai, nước thải từ các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn còn xả ra môi trường.
Nhiều nhà máy xử nước thải của các khu công nghiệp ở TP HCM đều cũ. Nước thải công nghiệp sau khi được xử lý tại các nhà máy này thậm chí còn không đạt tới cấp độ B. Khi ra môi trường, chúng làm chết các vi sinh vật và tảo. "Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều kênh rạch tiếp tục bị ô nhiễm, nước biến thành màu đen và bốc mùi hôi thối" - TS Nguyễn Quốc Bình phân tích, đồng thời nhắc tới một số khu công nghiệp như Lê Minh Xuân, Tân Bình, Vĩnh Lộc…
Cần giải pháp phù hợp
Để giải quyết dứt điểm tình trạng tái ô nhiễm kênh rạch, TS Nguyễn Quốc Bình cho rằng TP HCM nên đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải vào vận hành.
Bên cạnh đó, theo ông Bình, cần nhanh chóng ban hành quy định chuẩn áp dụng cho nhà máy xử lý nước thải trong khu công nghiệp. Đồng thời, giám sát chất lượng nước thải được xả ra môi trường từ tất cả khu sản xuất trên địa bàn, nhất là khu tiểu thủ công nghiệp.
TS Nguyễn Quốc Bình nhận xét việc di dời các khu tiểu thủ công nghiệp ra ngoại thành mà TP HCM thực hiện hàng chục năm trước thực chất là dời điểm ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác.
Do vậy, không thể duy trì biện pháp mang tính tạm thời đó nữa. Ông cho rằng các khu tiểu thủ công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế không cao mà hậu quả với môi trường lại lớn.
"Các khu tiểu thủ công nghiệp này chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho khoảng 100 hộ dân nhưng làm ảnh hưởng đến môi trường sống của hàng triệu người dân TP HCM. Do đó, thành phố cần có những giải pháp xử lý phù hợp, như gom các khu tiểu thủ công nghiệp thành khu công nghiệp" - TS Nguyễn Quốc Bình đề xuất.
Chặn từ gốc
Trong số các kênh rạch đã được cải tạo ở TP HCM, PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn nhận xét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có chất lượng khác hẳn. Lý do là toàn bộ nước thải từ các khu dân cư, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp khi chảy tới dòng kênh này đã được thu gom bởi hệ thống cống ngầm. Nước thải này được dẫn ra sông Sài Gòn để pha loãng.
PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn đánh giá tuy không thu gom được triệt để nhưng về cơ bản, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã cắt được nguồn nước thải từ các khu dân cư cũng như một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nhờ vậy mà tránh được nguy cơ tái ô nhiễm.
Bình luận (0)