Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung hỗ trợ nhiều cho du lịch, đặc biệt là triển khai Nghị quyết 82 với kế hoạch hành động để khôi phục và phát triển nhanh du lịch. Quốc hội cũng thông qua Luật Xuất nhập cảnh mới, tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho khách du lịch vào Việt Nam.
Các giải pháp được đề xuất để phát triển du lịch là cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch; có chính sách miễn visa linh hoạt, miễn visa cho một số thị trường chủ lực trong một số giai đoạn ngắn hạn theo chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Đặc biệt, phải chuyển hướng du lịch sang du lịch xanh để phát triển bền vững, trong đó cốt lõi là bảo vệ môi trường và chuyển các dịch vụ du lịch sang dịch vụ du lịch xanh, lưu ý vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Phải xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh - bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn... Đây là một trong những chỉ số được du khách từ các nước phát triển đặc biệt đánh giá cao trong việc lựa chọn điểm đến.
Ngành du lịch thời gian qua, dù có những hạn chế, tồn tại song vẫn đạt những kết quả đáng khích lệ. Đến hết tháng 10-2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt, là điểm sáng, đóng góp tích cực, quan trọng vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong khó khăn thì chúng ta cũng nhìn thấy cơ hội. Do đó, phải cùng nhau khai thác tốt nhất những cơ hội có thể đến, hóa giải những khó khăn đã và đang đối mặt. Cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện.
Trong 10 tháng qua, những hạn chế, khiếm khuyết cố hữu cũng như những khó khăn phát sinh đều đã được nhận diện rõ ràng. Vấn đề là khi nhìn ra cơ hội, chúng ta sẽ quyết tâm khắc phục khiếm khuyết và nắm lấy cơ hội ra sao, với kế sách hữu hiệu nào để vực dậy, phát triển ngành công nghiệp không khói của quốc gia. Việt Nam có rất nhiều lợi thế, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, bề dày văn hóa - lịch sử, các di sản vật thể và phi vật thể phong phú, có giá trị cao… Nếu dốc hết lòng hết sức, thực hiện với quyết tâm cao nhất và lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước của từng cá nhân tham gia hoạt động du lịch được phát huy; cùng với sự đoàn kết, đồng lòng, kịp thời động viên, hỗ trợ đơn vị, cá nhân làm tốt cũng như nghiêm khắc xử lý đơn vị, cá nhân sai phạm… thì diện mạo du lịch Việt Nam sẽ khác, ngành du lịch sẽ phát triển theo hướng xanh và bền vững hơn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bình luận (0)