xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗi lo bảo tồn

PHẠM HỒ

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa phê duyệt dự án hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch liên quan đàn voi nhà với kinh phí trên 2,4 triệu USD. Với dự án này, những con voi nhà ít ỏi còn lại ở Tây Nguyên đã có hy vọng thoát kiếp khổ sai, qua đó được bảo tồn tốt hơn.

Dự án đang bắt đầu triển khai nên hiệu quả thế nào, chúng ta phải chờ câu trả lời trong tương lai. Song, kết quả thử nghiệm từ 3 con voi ban đầu cho thấy rất khả quan. Những con còn lại đang cần sự nỗ lực của các tổ chức bảo tồn và sự giám sát, hỗ trợ tối đa từ các cơ quan chức năng.

Voi là một trong những biểu tượng của Tây Nguyên. Biểu tượng này chỉ có ý nghĩa khi mang đầy đủ bản tính tự nhiên trong môi trường hoang dã chứ không phải quẩn quanh bên nhà sàn trong sợi xích sắt. Loài vật còn sót lại ít ỏi từ thời tiền sử này vốn phải quần quật làm việc từ sáng đến tối để cõng du khách lang thang trong những cánh rừng nham nhở. Nhiều con đã chết vì kiệt sức. Nếu không bảo tồn tốt, vài thập kỷ tới, loài voi ở Tây Nguyên và Việt Nam nói chung chỉ còn trong sách vở và phim tài liệu.

Chúng ta đã có nhiều dự án bảo tồn các loài động vật quý hiếm nhằm giúp chúng khỏi tuyệt chủng. Trong đó, một số dự án đã không thành công, mà nguyên nhân chính là do thiếu kinh nghiệm, thiếu kinh phí, không khoa học… nên thất bại sau thời gian hồ hởi ban đầu.

Năm 1988, một con tê giác Java - loài cực kỳ quý hiếm - chết tại Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Tiếp đó, lực lượng chức năng phát hiện một con tê giác khác, được xác định là cá thể duy nhất tại Việt Nam. Hàng loạt chương trình bảo tồn trong và ngoài nước được đưa ra nhưng đáng tiếc, đến tháng 10-2010, các nhà khoa học lại phát hiện nó đã chết với một vết đạn xuyên đầu.

Ngoài tê giác một sừng, các nhà khoa học còn cảnh báo 12 loài khác sắp tuyệt chủng tại Việt Nam, như: voọc mũi hếch, voi, hươu vàng, sao la… Đến nay, những chương trình bảo tồn các loài vật này vẫn chưa cho thấy hiệu quả đáng kể.

Điều cốt yếu nhất trong việc bảo tồn động vật hoang dã chính là bảo vệ được môi trường sống tự nhiên của chúng. Chỉ riêng về rừng thôi, trong 10 năm qua, diện tích bị phá đã lên đến gần 23.000 ha. Rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, thậm chí rừng ở vườn quốc gia, cũng bị phá. Các nguồn tài nguyên về đất đai, nguồn nước… bị tận dụng để phát triển kinh tế nên xung đột giữa con người và thiên nhiên ngày càng gay gắt. Hàng trăm thủy điện chặn nguồn nước trong các rặng núi xanh rì; những con đường bê-tông dọc ngang với tiếng động cơ ầm ào hằng ngày náo động các cánh rừng… là thực trạng đang diễn ra.

Thế giới vừa chào đón công dân thứ 8 tỉ hôm 15-11 trong nỗi hân hoan. Song, bên cạnh niềm vui này cũng dấy lên nỗi lo khi cảm giác hành tinh chúng ta quá chật chội, liệu đủ chỗ sống yên ả cho các giống loài trong tự nhiên?

Nhiều người hẳn còn nhớ giải nhất cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế "Thế giới chúng ta đang thay đổi" do Hiệp hội Sinh học Hoàng gia Anh tổ chức năm 2020: Bức ảnh đàn voi đang kiếm ăn trên bãi rác của con người. Cuộc sống tự nhiên luôn cần được cân bằng, tương hỗ để cùng tồn tại. Nếu con người cứ thâu tóm tài nguyên chung sẽ đẩy nhiều loài khác vào hoàn cảnh tuyệt vọng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo