Trong cảnh báo mới nhất của Cục Thú y, năm qua, đơn vị này phân tích 962 lượt mẫu thịt heo, gà tiêu thụ nội địa đã phát hiện 128 lượt mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh và 1 mẫu vi phạm kim loại nặng (chiếm 13,4%). Tỉ lệ này là rất đáng lo ngại, bởi thực phẩm mất an toàn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thực phẩm nhiễm khuẩn khi tiếp nhận vào cơ thể sẽ gây ngộ độc, tiêu chảy, nôn… Còn nhiễm kim loại nặng có thể gây hậu quả rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Các chuyên gia về thú y cho rằng điều kiện vệ sinh nơi giết mổ, kinh doanh sản phẩm thịt hiện còn thấp là nguyên nhân khiến tỉ lệ thịt nhiễm vi sinh cao. Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy qua 11 tháng của năm 2022, cả nước xảy ra 46 vụ ngộ độc thực phẩm với 601 người mắc, khiến 14 người tử vong. Đáng buồn hơn, trẻ em thường chiếm tỉ lệ lớn trong số những người bị ngộ độc và dễ tử vong hơn. Minh chứng gần đây nhất là vụ ngộ độc thức ăn tại Trường iSchool Nha Trang khiến 600 học sinh phải nhập viện và 1 em đã tử vong. Nguyên nhân vẫn là thức ăn bị nhiễm khuẩn.
Có thể nói, câu chuyện thực phẩm mất an toàn cứ lặp đi lặp lại hằng năm. Dường như các cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Hàng loạt cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh và các điểm giết mổ tự phát sau khi bị phát hiện, xử phạt rồi lại tiếp tục hoạt động. Hàng ngàn tấn thịt heo, gà vẫn được đưa ra chợ hằng ngày và từ đây trở đi đã không còn chốt chặn nào về an toàn thực phẩm khi được đưa lên bàn ăn của người tiêu dùng. Ngoài ra, cũng có không ít người tiêu dùng khá dễ dãi khi chọn mua đã góp phần không nhỏ cho thực phẩm "bẩn" có thêm con đường để xâm nhập từng gia đình, hàng quán.
Nhưng kiểm tra, xử lý thực phẩm "bẩn" chỉ là cách ứng phó bị động và thực tế đã chứng minh rất khó ngăn chặn. Quan trọng hơn chính là phải xây dựng được nền sản xuất an toàn để có được sản phẩm an toàn cho người dân. Tình trạng lạm dụng kháng sinh, thuốc tăng trọng chăn nuôi vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Lạm dụng thuốc trừ sâu, hóa chất kích thích… vẫn còn nhiều trong sản xuất rau, cây ăn trái. Những loại thực phẩm mất an toàn này âm thầm đến các chợ mà khó có cơ quan chức năng nào kiểm soát được. Mối nguy rất hiện hữu.
Thực phẩm là loại tiêu thụ hằng ngày, khi qua cơ thể thì khó để lại dấu tích. Có loại gây ngộ độc tức thời thì có thể tìm ra nguyên nhân, truy ra nguồn gốc. Có loại âm thầm tích tụ gây hậu quả khôn lường về sau, thậm chí để lại tai họa cho thế hệ kế tiếp thì làm sao truy được. Bởi vậy, ngăn ngừa thực phẩm "bẩn" phải được đặt ở đúng tầm quan trọng, huy động lực lượng đúng quy mô, cách xử lý phải triệt để từ gốc đến ngọn, nhất là phải tập trung xử lý ngay các cơ sở giết mổ, sản xuất thiếu an toàn.
Sức khỏe cộng đồng là trên hết nên công tác này phải làm và làm tận lực để người dân được bảo vệ an toàn ngay trong chính ngôi nhà của mình, trên bàn ăn của mình.
Bình luận (0)