Tổng diện tích rừng bị tàn phá ở Tiểu khu 205 - do UBND xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp bảo vệ, quản lý - lên đến khoảng 382 ha. Tiểu khu này nằm trong khu vực mà Công ty TNHH Đất Vàng Ban Mê đang khảo sát hiện trạng để lập dự án trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng, trồng cây ăn trái, cây nông nghiệp. Khi khảo sát, doanh nghiệp này đã thỏa thuận hỗ trợ tiền trông coi, bảo vệ rừng tại Tiểu khu 205 với tổng số tiền hơn 6,6 tỉ đồng và hiện đã chuyển hơn 1,3 tỉ đồng.
Như vậy là khu rừng này có chủ mà như vô chủ. Chủ ở đây là nói theo nghĩa rừng đã được giao cho cá nhân hoặc tổ chức, địa phương quản lý, bảo vệ. Quản lý, bảo vệ không đơn thuần là trách nhiệm chung chung, mà nhà nước đã bố trí nhân sự hẳn hoi, từ cấp xã cho đến huyện, tỉnh... và tất nhiên phải chi ra một khoản tiền không hề nhỏ để duy trì các lực lượng liên quan.
Thế nhưng, rừng vẫn bị phá, mà lần này là phá đến khoảng 382 ha. Lãnh đạo xã Ya Tờ Mốt lý giải các đối tượng phá rừng vào đêm mưa, đường xa, lực lượng bán chuyên trách không phát hiện kịp thời dù đây là vụ có tổ chức với nhiều người tham gia. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp thì cho rằng đơn vị có tới 13/17 người mắc Covid-19 nên không tiếp cận được địa bàn để tuần tra kiểm soát, ngăn chặn vi phạm!
Điều đáng nói là cuối năm 2021, trước nạn phá rừng diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành công văn yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Và ngay thời điểm vụ phá rừng ở Tiểu khu 205 xảy ra thì một đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp cũng vừa có chuyến kiểm tra thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Đắk Lắk, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
"Rừng Tây Nguyên đến ngưỡng không thể... phá thêm!" là tít một bài viết trên Báo Người Lao Động số ra ngày 23-6-2020. Bài viết thông tin thời điểm đó, dù Thủ tướng đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên nhưng chỉ trong 1 năm (2019), rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã bị xóa sổ gần 16.000 ha. Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích rừng giảm nhiều nhất, với khoảng hơn 11.000 ha. Từ năm 2010 đến 2020, Tây Nguyên đã mất 462.000 ha rừng, độ che phủ rừng giảm 5,98%...
Với vụ việc vừa xảy ra tại Tiểu khu 205 và cả những vụ mà lực lượng kiểm lâm ở các tỉnh phát hiện thời gian gần đây cho thấy rừng Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị tàn phá.
Dù Thủ tướng đã có lệnh đóng cửa rừng cách đây mấy năm nhưng đến bao giờ thì rừng tự nhiên ở Tây Nguyên mới hết bị tàn phá? Đến bao giờ thì lực lượng bảo vệ rừng ở Tây Nguyên mới hết "bất ngờ" trước những vụ phá rừng xảy ra với diện tích lớn, có tổ chức và đông người tham gia? Đó là những câu hỏi vẫn chưa tìm ra được đáp án.
Bình luận (0)