Dù còn tiếp tục thảo luận nhưng đây là bước đi cần thiết nhằm minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản đang "dầu sôi lửa bỏng" hiện nay.
Những ý kiến khác nhau về dự thảo, về bản chất là xuất phát từ những lợi ích khác nhau. Với số đông nhà đầu tư, có sàn giao dịch hay không chỉ là hình thức mua bán. Dù bán cách nào, điều các nhà đầu tư quan tâm hơn cả là lợi nhuận. Còn với người mua kinh doanh, sàn giao dịch làm họ yên tâm hơn vì ít phải hồi hộp với đội ngũ "cò" đông đúc kia mà khó đề phòng hết bất trắc. Còn số đông thực sự có nhu cầu mua nhà để ở, người đang muốn tích cóp để tìm nơi trú thân, dù có sàn giao dịch hay không thì những căn nhà hình thành trong tương lai với giá cao chót vót đã hoàn toàn xa ngoài tầm với.
Đặt vấn đề như thế để thấy rằng thị trường nhà theo cơn sốt đất hiện nay nó méo mó thế nào, nó bất an ra sao và đáng buồn là nó đi chệch ra ngoài nhu cầu có một chỗ ở đang ngày càng bức thiết của người dân. Điều này không còn gì phải nghi ngờ. Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản vừa được tổ chức gần đây, lãnh đạo Chính phủ nói thẳng: Cơ cấu cung cầu lệch pha, quá tập trung cho các phân khúc cao cấp mà ít quan tâm tới phân khúc trung bình, thu nhập thấp; giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người.
Thực tế rất ảm đạm. Rất nhiều dự án nhà ở cao cấp đã đóng băng, nhiều dự án khác theo kiểu "nhà ở hình thành trong tương lai" cụt vốn không thể xây dựng. Không ít người đã đặt tiền qua nhiều hình thức với hy vọng "lướt sóng" đã khó có cơ hội nhìn thấy "căn nhà tương lai" của mình hình thành. Hầu hết những mảnh đất thuận lợi đều dành cho dự án nhà cao cấp, trong khi nhu cầu một căn nhà theo kiểu nhà ở xã hội ngày càng nhiều nhưng nằm ngoài quy hoạch của các địa phương.
Áp lực về chỗ ở, đặc biệt tại các đô thị lớn sẽ có tác động dây chuyền đến kế hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương. Chưa an cư thì khó lạc nghiệp. Không có nhà thì chi phí trang trải cuộc sống càng cao nên người lao động phải chấp nhận rời bỏ đô thị - nơi tập trung các ngành công nghiệp, dịch vụ - gây ra những khó khăn rất lớn cho sản xuất - kinh doanh. Không có chỗ ở ổn định thì lực lượng lao động sẽ thường xuyên biến động nên khó có nhà kinh tế nào lập được kế hoạch sản xuất bền vững trong tình cảnh này.
Bài toán vĩ mô này đã được nhìn thấy và gần đây nhất, Chính phủ quyết liệt triển khai đề án 1 triệu nhà ở xã hội và vừa được Quốc hội thông qua. Kế hoạch này đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân và của cả nền kinh tế. Qua đó đề án cũng cân bằng sự chông chênh của thị trường nhà đất và quan trọng hơn là nó không thể để các nhà đầu tư khuynh đảo thị trường.
Thị trường nhà đất lành mạnh không chỉ là mua bán rõ ràng, mà nó phải thỏa mãn được nhu cầu về nhà ở của người dân và qua đó phục vụ được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng và cả quốc gia.
Bình luận (0)