Khác với trước đây, lâm tặc hạ rừng với mục đích chính là kiếm lợi từ gỗ. Nay, giá đất tăng vùn vụt. Nhiều người đã nhìn thấy món lợi kết xù từ đất nên đã bất chấp tất cả, liều lĩnh phá nát những cánh rừng ít ỏi còn lại để chiếm đất. Không chỉ các tỉnh Tây Nguyên, rừng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, miền Trung... cũng bị đốn hạ tràn lan.
Với một quốc gia đông dân số và sống thiên về nông nghiệp như Việt Nam, rừng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Diện tích rừng bị thu hẹp luôn tương ứng với sự gia tăng về thiên tai mà người dân phải gánh chịu hằng năm. Lũ lụt bất thường, thời tiết cực đoan, không khí ô nhiễm... đe dọa cuộc sống người dân thường niên ở hàng loạt tỉnh, thành phố luôn có nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp từ thực trạng thảm thực vật bị tàn phá nghiêm trọng. Thực trạng đáng buồn như thế nhưng công tác bảo vệ rừng nhìn chung còn rất kém. Thậm chí "lâm tặc" lại là chính người được giao trách nhiệm bảo vệ rừng. Sự bất lực này là không thể chấp nhận, bởi cái giá phải trả quá lớn.
Nhưng tàn phá môi trường không chỉ có phá rừng, mà nó còn hiện diện ở khắp các mặt ở đời sống kinh tế - xã hội. Một thông tin làm rất nhiều người lo lắng vừa được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đưa ra là đã phát hiện vụ xả thải lén lút của một xí nghiệp thuộc Công ty Bóng đèn Điện Quang khi hủy hàng tấn bóng đèn cũ. Những hóa chất có trong bóng đèn rất độc hại với con người và môi sinh. Khi tràn ra môi trường thì chúng tạo ra hậu quả thật khó lường. Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam này với quy mô dân số hơn 20 triệu người sống quây quần bên lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Và hệ thống sông này cũng "gánh" tất cả nước thải (đã xử lý và chưa xử lý) của hoạt động kinh tế - xã hội toàn khu vực. Con sông này cũng là nguồn cung cấp nước phần lớn cho toàn bộ dân cư. Môi trường này bị ô nhiễm thì lập tức hậu quả sẽ hiển hiện.
Thiên nhiên ưu đãi nhưng sẽ không bao dung mãi mãi. Phát triển trên lợi thế có sẵn thì phải có sự chăm sóc tương ứng. Ngay trong ngày hôm qua (22-4), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các đại biểu đã gởi tham luận, nhấn mạnh đến yếu tố xây dựng xã hội phải đi đôi với bảo tồn, bảo vệ môi trường sinh thái. Những chính sách kinh tế lớn về du lịch, nông nghiệp, dân cư... phải thuận thiên, dựa vào tự nhiên để phát triển. Đây cũng là mục tiêu của các địa phương khác trên cả nước nhằm tạo dựng sinh kế cho người dân, làm giàu cho địa phương, tạo sự cường kiện của quốc gia trên nền tảng an toàn, ổn định của môi trường.
Sống hòa thuận với tự nhiên, bảo tồn những giá trị quý báu của môi trường đã là triết lý không chỉ ở bình diện quốc gia mà đang trở thành văn hóa sinh tồn của loài người hiện tại.
Bình luận (0)