Phấn đấu cuối năm nay, khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191 km, tổng mức đầu tư trên 52.000 tỉ đồng và đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km, tổng mức đầu tư trên 27.000 tỉ đồng, hoàn thành vào năm 2025. Đầu tư đoạn An Hữu - Cao Lãnh dài 27 km, tổng vốn khoảng 6.000 tỉ đồng; đoạn Mỹ An - Cao Lãnh 27 km, 4.700 tỉ đồng. Nâng cấp đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài 29 km, tổng mức đầu tư 950 tỉ đồng, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51 km, khoảng 750 tỉ đồng.
Việc xây đường, làm đường cao tốc mở đường phát triển kinh tế, phục vụ đi lại của người dân, xóa các nút thắt cổ chai, rút ngắn khoảng cách giữa TP HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất và ĐBSCL, vùng nông sản lớn nhất nước là giải "cơn đói" đường cao tốc, "khát" đường giao thông, là giấc mơ của miền Tây nhiều năm qua.
Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (một trong 3 dự án vừa được Chính phủ trình Quốc hội đề xuất đầu tư với sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 84.000 tỉ đồng) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ kết nối các chuỗi đô thị lớn trong vùng là Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng mà còn tạo ra một không gian phát triển mới nơi nó đi qua. Đường cao tốc mới liên kết các tiểu vùng thuộc Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau, tạo ra lực đẩy mở rộng cánh cửa Tây Nam, đặc biệt là kết nối với siêu cảng biển Trần Đề được đưa vào quy hoạch phát triển mới thành cảng nước sâu trọng điểm của vùng, đánh thức tiềm năng kinh tế biển ĐBSCL.
Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa. Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cùng với TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ là bộ khung quan trọng nhất của mạng lưới đường cao tốc miền Tây.
Để bảo đảm thời kỳ tăng tốc cao tốc, người dân đang kỳ vọng các cơ quan trung ương và các địa phương có công trình đi qua cần tập trung cao nhất cho công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguồn cung vật liệu. Chủ đầu tư, bộ máy quản lý thi công công trình cũng như vận hành khai thác công trình đưa vào sử dụng phải thực sự chuyên nghiệp. Để phát huy hiệu quả nhất các tuyến cao tốc, rất cần đầu tư đồng bộ các tuyến quốc lộ, liên tỉnh lộ, hệ thống đường gom, cùng với việc kết nối các phương thức giao thông đường bộ, đường thủy, hàng hải và hàng không thông suốt.
Trong 5 năm tới, trung ương sẽ đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL. Thời kỳ tăng tốc cao tốc miền Tây đã bắt đầu, vấn đề còn lại là thực thi và phối hợp hiệu quả.
Bình luận (0)