UBND TP HCM vừa có công văn yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố, đẩy mạnh tiết kiệm điện và bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn, đặc biệt là giai đoạn cao điểm nắng nóng có nguy cơ thiếu điện do thiếu hụt nguồn nước.
UBND thành phố cũng đề nghị Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) hạn chế tối đa việc ngừng, giảm cung cấp điện vào ban đêm và thời gian cao điểm nắng nóng trong ngày nhằm tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ gia đình, trừ những trường hợp bất khả kháng.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào các tháng 5, 6, 7. Mới đây, công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5-2022. Riêng tại TP HCM, sản lượng tiêu thụ điện phá kỷ lục trong ngày 6-5 với hơn 94,8 triệu KWh. Đây là lần thứ 4 lượng điện tiêu thụ tại TP HCM phá vỡ kỷ lục trong vòng chưa đầy 1 tháng, cũng là mức tiêu thụ cao nhất từ khi TP HCM có điện đến nay.
Do đó, tiết kiệm điện phải được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu, vừa cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nhất là trong bối cảnh hồi phục kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19. Lãnh đạo EVNHCMC cho biết việc tiết kiệm điện trong những năm qua đã mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - xã hội và môi trường. Chỉ riêng năm 2021 đã tiết kiệm được 583,89 triệu KWh, chiếm 2,26% sản lượng điện thương phẩm, góp phần giảm được gần 440.000 tấn CO2 phát thải ra môi trường.
Mới đây, ngành điện lại tăng giá. Theo quyết định của EVN, từ ngày 4-5, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng/KWh lên 1.920,3732 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% (hơn 55,9 đồng/KWh) so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Theo tính toán của EVN, tiền điện tăng thêm của nhóm khách hàng đang chiếm tỉ trọng lớn nhất là hộ tiêu thụ 200 KWh/tháng khoảng 11.100 đồng/hộ (cả nước có 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01%). Đối với hộ tiêu thụ 300 KWh/tháng, số tiền điện tăng thêm là 18.700 đồng/hộ (khoảng 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81%). Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 KWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (khoảng 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95%). Với hơn 1,8 triệu hộ sản xuất, bình quân mỗi tháng một hộ sản xuất trả tiền điện là 10,6 triệu đồng. Sau khi tăng giá, mỗi tháng sẽ trả thêm 307.000 đồng. 8 tháng còn lại trong năm 2023, khi tăng giá điện 3% từ ngày 4-5, doanh thu của EVN ước tăng khoảng 8.000 tỉ đồng.
EVN tăng giá điện cũng là áp lực để tạo thói quen tiết kiệm điện trong tiêu dùng điện của xã hội. Không chỉ doanh nghiệp bố trí dây chuyền, hợp lý hóa sản xuất một cách khoa học, mà người dân cũng có thể tiết kiệm từ những điều chỉnh nhỏ trong sinh hoạt, như sử dụng máy điều hòa nhiệt độ (chiếm 40%-70% hóa đơn hằng tháng). Chỉ cần chỉnh nhiệt độ phù hợp (không thấp hơn 26 độ C, kết hợp với quạt) sẽ giúp tiết kiệm điện và tránh sốc nhiệt khi ra bên ngoài.
Tiết kiệm điện không chỉ là mệnh lệnh mà cũng là yêu cầu nỗ lực, tạo thói quen tốt từ chính mỗi cá nhân để hạn chế lãng phí nguồn điện, một tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận.
Bình luận (0)