Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất thực hiện cấp visa điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ - giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể; nâng thời hạn visa điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày... Nếu được thông qua, những chính sách này giúp ngành du lịch có thêm cơ hội bứt phá trong thời gian tới.
Những vướng mắc về chính sách nhập cảnh, cư trú… cho người nước ngoài đã được các chuyên gia kinh tế, du lịch nhiều lần đề cập. Để bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, chúng ta chấp nhận những hạn chế ấy. Song, trong bối cảnh sự tác động của tình hình thế giới; đồng thời, chúng ta phải đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19 thì rất cần có những chính sách mới.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong hơn 10 năm qua, mức tăng trưởng này chỉ cao hơn quý I/2020 (thời kỳ dịch COVID-19). Ngay cả địa phương năng động nhất nước là TP HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 tháng đầu năm 2023 cũng chỉ tăng 0,7%. Những số liệu này rất đáng suy ngẫm trong lúc cả nước đang dốc mọi nguồn lực để thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô.
Với chu kỳ kinh doanh ngắn, du lịch là ngành có thể phục hồi nhanh - song cần phải được hỗ trợ bằng những chính sách thuận lợi, đặc biệt là visa. Chính sách thị thực rộng mở không chỉ thúc đẩy phát triển ngành du lịch mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Chúng ta có thể tham chiếu chính sách visa của các nước trong khu vực. Trong khi Việt Nam chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương thì Malaysia, Singapore miễn cho 162 nước, Philippines 157 nước, Thái Lan 64 nước... Hầu hết các quốc gia đều quy định thời hạn lưu trú từ 30 ngày trở lên.
Dù vậy, chính sách về visa cũng chỉ là một phần của câu chuyện phát triển du lịch. Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam với nhiều bãi biển tuyệt đẹp. Song, phần lớn trong số này chưa được khai thác du lịch hoặc khai thác manh mún, chắp vá. Sản phẩm du lịch cũng không phong phú, thường khai thác cảnh quan có sẵn nên đơn điệu, khó hấp dẫn du khách quay lại… Thử so sánh với các quốc gia trong khu vực: Năm 2022, Việt Nam đón 3,66 triệu lượt khách quốc tế, trong khi Thái Lan hơn 11 triệu lượt, Malaysia hơn 7,5 triệu và Singapore hơn 6,3 triệu lượt...
Tại hội nghị toàn quốc về du lịch vừa tổ chức giữa tháng 3-2023, Chính phủ xác định phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn; chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần". Nguồn thu từ du lịch rất lớn. Nếu chúng ta chậm chân thì khó có cơ hội cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực, vốn có chính sách về du lịch rất cởi mở.
Bình luận (0)