Cụ thể, theo chương trình này, ở cấp THCS, các môn lý - hóa - sinh được tích hợp thành môn khoa học tự nhiên; còn sử, địa cũng không dạy và học riêng như trước, mà là liên môn sử - địa.
Bất cập liền lộ diện: Không đủ giáo viên dạy các môn tích hợp và liên môn, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; kể cả ở những nơi đủ giáo viên thì một thầy (cô) khó đảm đương tốt 2-3 môn cùng lúc. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn nhưng tình hình thực tế không như mong đợi.
Rõ ràng, sử và địa dù sao cũng là hai môn gần, giáo viên chuyên sư phạm sử có thể dạy choàng cả môn địa, và ngược lại, song nhất định không thể nào tốt bằng giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành nào thì dạy môn đó. Khoa học tự nhiên càng gian nan hơn, thường thì giáo viên lý có thể dạy được môn toán, giáo viên hóa dạy cả môn sinh, nhưng giáo viên sinh - hóa có thể dạy tốt môn lý thì chẳng mấy người. Trong khi môn tích hợp này đòi hỏi một giáo viên dạy tới 3 môn lý - hóa - sinh, làm sao xuể! Chính giáo viên tích hợp cũng than trời vì khối lượng công việc, trong đó nặng nhất là giáo án, tăng gấp ba; còn học sinh - vì không được học những thầy/cô dạy đơn môn, tốt nghiệp đúng chuyên ngành - nên chắc chắn chịu thiệt thòi, hổng kiến thức. Ở bậc THCS đã như thế thì sẽ gây hệ lụy cho các bậc học cao hơn, ảnh hưởng tương lai sau này.
Một trong những ưu điểm của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 so với Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 là giảm bớt số môn học. Nếu như Chương trình 2006 ở cấp THCS và THPT cùng có 13 môn học bắt buộc thì với Chương trình 2018, cấp THCS còn 10 môn bắt buộc, cấp THPT có 6 môn bắt buộc và 4/9 môn lựa chọn.
Tuy nhiên, sự tinh gọn môn học phải gắn chặt với công tác đào tạo sư phạm và phương pháp dạy học, chứ nếu chỉ là sự sáp nhập cơ học như các môn tích hợp, liên môn hiện nay thì không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Câu hỏi đặt ra là lộ trình áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có từ lâu mà sao Bộ GD-ĐT không chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên tích hợp, dẫn tới cảnh chắp vá như bây giờ? Trong khi đó, sách giáo khoa thì lại nhiều bộ (theo chương trình mới này, mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa), khiến giáo viên "ngộp thở", học sinh thì lan man. Cách làm của ngành GD-ĐT rõ ràng là hoàn toàn thiếu đồng bộ!
Trước thực tế này, nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh theo hướng tách môn như cũ. Tức là một bộ phận không nhỏ học sinh hơn 3 năm học qua đã làm "chuột bạch". Còn đối với đội ngũ nhà giáo, đó có phải là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu giáo viên vốn đã nghiêm trọng càng thêm trầm trọng hay không? Có phải vì việc tiếp tục dồn gánh nặng lên vai thầy cô trong khi thu nhập mãi eo hẹp là lý do khiến nhà giáo bỏ việc ngày càng nhiều (riêng năm 2022 hơn 9.000 trường hợp)?
Hỏi cũng chính là câu trả lời.
Bình luận (0)