Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11-7 để kịp cho kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo vào ngày 15-7.
Dù quyết định giảm thuế được thông qua sau nhiều quy trình bắt buộc khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã phải đối mặt với hàng chục lần tăng giá liên tiếp và xác lập mức cao kỷ lục song tin vui này vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp ở tất cả lĩnh vực cũng như toàn nền kinh tế.
Với mức giảm thuế bảo vệ môi trường đến 50% đối với xăng khoáng, chi phí đầu vào của nhiều ngành sử dụng nhiên liệu sẽ giảm đáng kể, từ đó giảm áp lực lên giá thành sản phẩm và dịch vụ. Nhờ đó, không chỉ người dùng cuối được hưởng lợi mà bản thân doanh nghiệp cũng giảm nguy cơ bị ăn mòn lợi nhuận trong bối cảnh giá cả mọi nguyên liệu đầu vào đều tăng cao như hiện nay.
Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước hiện neo ở mức cao chưa từng có, riêng xăng RON 95 có giá bán lẻ lên đến gần 33.000 đồng/lít. Mức giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít với loại xăng này dường như chưa đủ để kéo giảm giá xuống mức đáng kể. Trong bối cảnh giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới còn diễn biến khó lường, giảm thuế xăng dầu nhiều hơn nữa vẫn là đòi hỏi vô cùng cấp bách.
Chính phủ cần chủ động hơn trong các biện pháp điều hành giá xăng dầu trong nước theo thẩm quyền, trong đó có việc nhanh chóng xem xét điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi. Dự kiến, thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng có thể được xem xét giảm từ mức 20% còn 12%. Đây sẽ là giải pháp hỗ trợ tích cực, góp phần kéo giảm giá xăng ở thị trường trong nước. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát để tham mưu cho Chính phủ phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng bởi đây là hàng hóa thiết yếu mà bất kể người dân, doanh nghiệp nào cũng phải sử dụng, không thể xếp vào diện hạn chế tiêu thụ.
Người dân, doanh nghiệp rất thông cảm với nhiệm vụ cần bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Việc giảm thuế suất bất cứ sắc thuế nào cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu. Song, trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, cần đánh giá tổng thể thiệt - hơn giữa việc giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, rộng hơn là cả nền kinh tế, với việc giữ thuế suất cao khiến doanh nghiệp không còn lợi nhuận, không đóng góp được trở lại vào ngân sách.
Nếu giải pháp hỗ trợ, cứu trợ đủ sức kích thích doanh nghiệp hồi phục và phát triển tốt thì có khả năng sẽ bù đắp được đáng kể cho nguồn thu ngân sách thông qua đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, nhà nước cũng không nên coi một số sắc thuế là nguồn thu chính của ngân sách mà bắt buộc phải nghiên cứu mở rộng nguồn thu, nhất là nhắm tới các đối tượng, khu vực đang gây thất thu thuế như thương mại điện tử, nền tảng số...
Bình luận (0)