Ý tưởng cho một tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện đại được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đặt ra từ hơn 10 năm trước. Nhưng vốn e dè, thiếu tự tin về công nghệ và… thiếu tiền nên kế hoạch này chỉ được bàn tán rồi ngưng. Dẫu biết rằng hệ thống đường sắt có đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam hơn một thế kỷ qua nhưng sự đầu tư để phát triển hệ thống giao thông này quá hạn chế, không xứng tầm.
Được bắt đầu xây dựng từ gần 150 năm trước, với khổ đường 1 m, đến năm 1936 tuyến đường sắt Bắc - Nam đã hoàn thành. Từ đó đến nay, hệ thống đường sắt này hầu như không thay đổi lớn về tuyến đường và vẫn giữ nguyên khổ đường 1 m là chủ yếu. Khổ đường này đã lạc hậu rất xa so với các nước trong khu vực và tất nhiên là cả thế giới. Tốc độ tàu khó được nâng cao (đến nay bình quân chỉ khoảng 76 km/giờ) và độ an toàn thấp hơn so với khổ đường 1,435 m.
Từng là phương tiện vận tải người và hàng hóa chính của quốc gia nhưng đến nay ngành đường sắt vẫn ì ạch và chỉ còn giữ chưa tới 0,5% thị phần vận tải hàng hóa và hành khách. Những năm qua, phấn đấu của ngành đường sắt tập trung vào… giảm lỗ, trong khi ngành này sở hữu khối lượng tài sản khổng lồ từ Bắc vào Nam. Tốc độ vận chuyển hàng hóa liên quan trực tiếp đến tốc độ phát triển kinh tế. Xây dựng đường sắt tốc độ cao là việc phải làm và làm thật nhanh, bởi đã quá muộn. Việc trước tiên là phải nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành và cả tư duy đầu tư đường sắt như hiện hữu, vì nếu bản thân ngành đường sắt không tự nuôi nổi mình thì không cách gì có thể đầu tư cho phát triển.
Nên nhớ, đường sắt tốc độ cao như kế hoạch vừa đưa ra, thực ra so với một số nước phát triển đã có khoảng cách khá lớn cả về công nghệ, quy mô, cách tổ chức kết nối với nền kinh tế của từng địa phương và các nước lân cận… Nhưng trong điều kiện hiện tại, đây là giải pháp tối ưu để ngành đường sắt có thể tham gia trực tiếp và đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia. Kế hoạch này phải gắn với kế hoạch phát triển du lịch từng địa phương, kế hoạch phát triển kinh tế vùng và quan trọng hơn là chính nó phải hấp dẫn được người dân.
Đường sắt tốc độ cao sẽ là cơ hội thay đổi toàn bộ về ngành đường sắt hiện hữu. Chỉ khi nó mang lại hiệu quả tốt mới có cơ hội phát triển đường sắt ở những cấp độ hiện đại hơn để có tốc độ cao hơn.
Công nghệ đường sắt cao tốc không phải quá hiếm. Những quốc gia như Nhật, Pháp, Ý, Đức… đã có hơn nửa thế kỷ xây dựng và nâng tầm những loại đường tàu này. Chúng ta phải biết chấp nhận tiếp thu công nghệ, học hỏi cách vận hành và thừa nhận những yếu kém hiện hữu để kịp thời thay đổi nếu muốn tạo dựng được tuyến tàu cao tốc đầu tiên tham gia vào nền kinh tế.
Bình luận (0)