Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) trong 3 tháng đầu năm cho thấy tăng trưởng của nhiều ngành sản xuất gồm lương thực thực phẩm, dệt may, cơ khí, mỹ nghệ và chế biến gỗ… đều giảm. Đặc biệt, ngành xây dựng công nghiệp, bất động sản… gặp vô vàn khó khăn. Theo kết quả khảo sát của HUBA, có đến 41,2% DN đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh… Hiện đã bước sang nửa cuối tháng 4, tình hình nhìn chung vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, nếu không muốn nói là vẫn trên đà sụt giảm.
Trong bối cảnh như vậy, dự thảo thông tư quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước ra đời, đang được cộng đồng DN đặc biệt quan tâm. Vui mừng vì dự thảo được ban hành nhưng DN cũng lo vì cần nhiều công đoạn, thậm chí nhiều thời gian để dự thảo thành thông tư và đưa thông tư đi vào đời sống. Có thể thấy rõ tâm lý chung của DN trong giai đoạn này là hy vọng, chờ đợi những quyết sách hỗ trợ, khơi thông dòng vốn, khơi thông thị trường và kích cầu tiêu thụ sớm được hiện thực hóa nhằm hỗ trợ thiết thực cho DN. Nếu những quyết sách này được triển khai nhanh sẽ xốc lại tinh thần, tạo tâm lý hưng phấn để DN mạnh dạn xúc tiến đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, nếu kéo dài, chậm triển khai thì sự hụt hẫng sẽ gia tăng gấp nhiều lần.
Về bản chất, nhu cầu vốn của DN bao gồm vốn lưu động và vốn trung/dài hạn. Với vốn đầu tư trung và dài hạn, hiện nhiều DN không dám vay vì chưa thấy tín hiệu kinh tế phục hồi lẫn cơ hội làm ăn. Còn với vốn lưu động, vì nhiều lý do, trong đó đáng chú ý nhất là thị trường tiêu thụ trong nước lẫn quốc tế sụt giảm khiến DN bị ách tắc dòng tiền, rơi vào cảnh "đói" vốn trầm trọng. Việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, không chuyển nhóm nợ sẽ giúp DN không bị xếp vào danh sách nợ xấu, không bị gia tăng các điều kiện vay vốn, được giữ nguyên lãi suất… Một khi áp lực về vốn và dòng tiền được giải quyết, DN sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Cuối cùng, giải pháp về vốn, lãi suất cần được triển khai đồng bộ với giải pháp về kích cầu thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Bộ Tài chính đang tính toán bài toán kích cầu thông qua đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023. Ngoài ra, Bộ Tài chính có đề xuất gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN, thu nhập cá nhân. Đề xuất này cần được xem xét triển khai sớm vì càng kéo dài thời hạn triển khai càng giảm hiệu quả hỗ trợ người nộp thuế.
Tại TP HCM, chương trình kích cầu thông qua đầu tư 20 năm qua đã mang lại thành công cho nhiều DN qua việc hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay vốn để các chủ đầu tư thực hiện dự án. UBND TP HCM đang xem xét khơi thông lại chương trình sau 2 năm tạm dừng, hy vọng sẽ góp phần "giải cứu" thêm nhiều DN.
Bình luận (0)