Tại phiên họp toàn thể lần thứ 10, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngày 6-9, báo cáo của Chính phủ gửi đến phiên họp cho biết từ ngày 8-2-2022 đến 30-4-2023, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của 13.093 người; 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…
Đặc biệt, 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm đã bị các cấp thẩm quyền xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…
“Biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, thời điểm bị phát hiện sở hữu khối tài sản lớn bất thường vào năm 2017. Ảnh: MINH PHONG
Chưa bàn đến con số 54 trường hợp được phát hiện, xử lý nhiều hay ít, còn sót, lọt những trường hợp khác hay không, có thể thấy việc xử lý này là rất đáng hoan nghênh. Bởi trung thực là một trong những đức tính cần có của mỗi con người trong các quan hệ xã hội. Người không trung thực không thể đủ tư cách làm người tử tế, càng không thể xứng đáng giữ vị trí lãnh đạo.
Dư luận xã hội nhiều năm trước từng phê phán những trường hợp xây nhà cao cửa rộng, biệt phủ thênh thang, có cán bộ liên quan đối phó dư luận bằng cách khai rằng do cha mẹ cho, do đi buôn chổi đót, sau đó cán bộ này bị xử lý kỷ luật. Song còn rất nhiều cán bộ sống trong cảnh xa hoa, cả biệt phủ được dựng lên, trang trí và vật dụng đều là gỗ quý, xếp loại cực kỳ quý hiếm, lại vẫn thăng quan tiến chức và không bị hình thức chế tài, kỷ luật nào…
Sự không trung thực, dối trá thường đi đôi với lòng tham. Không ít trường hợp làm giàu bất chính từ bàn tay đã nhúng chàm, sẵn sàng ăn hối lộ, dù của nả đang có ngồi không ăn ba đời không hết vẫn tiếp tục vơ vét cho đầy túi tham. Dĩ nhiên, những hành vi sai trái, vi phạm nghiêm trọng, khoa trương lối sống xa hoa quá mức là không thể chấp nhận được. Những việc sai trái như vậy không thể qua được tai mắt của nhân dân, của cộng đồng, của đồng nghiệp. Vấn đề là phát hiện, xử lý ra sao.
Theo báo cáo từ nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng 71,46% số vụ, tăng 116,17% số đối tượng, đặc biệt số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng 312,5%. Các con số cho thấy công tác chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Các cơ quan đã phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực với phương châm xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt.
Người dân cả nước luôn hoan nghênh việc phát hiện, xử lý nghiêm của các cấp thẩm quyền, dù chưa nhổ được hết gốc rễ, triệt phá tàn dư tham nhũng thì kết quả vừa qua thể hiện quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng một phần mong mỏi của nhân dân. Người dân luôn hiểu cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn hành trình dài, còn nhiều cam go. Kết quả xử lý nêu trên đã đem lại lòng tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng, dù sớm hay muộn đều đưa ra ánh sáng những khuất tất, tiêu cực, xử lý những kẻ sâu mọt đục khoét của cải xã hội, phá hoại tài nguyên…
Bình luận (0)