Có những người tỏ ra tiếc nuối nếu đề xuất trên được chấp thuận, 80 cây hoa sữa sẽ bị di chuyển khỏi một trong những tuyến phố đẹp nhất, tấp nập hàng đầu ở Hà Nội. Hoa sữa từ lâu được xem là một trong những biểu tượng của mùa thu Hà Nội - mùa đẹp và thi vị của thủ đô. Hoa sữa cùng nhiều tuyến phố từng đi vào những tác phẩm văn học - nghệ thuật nổi tiếng của cả nước khi viết về Hà Nội, đặc biệt là mùa thu Hà Nội. Rất nhiều người lắng đọng, ấn tượng không phai về mùi hương hoa sữa thoang thoảng trong tiết trời mùa thu se lạnh ở Hà Nội.
Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng cùng với tốc độ đô thị hóa của Hà Nội, trên nhiều tuyến phố, nhất là các tuyến phố mới sau này như Nguyễn Chí Thanh kể trên, đã trồng khá nhiều cây hoa sữa. Do trồng dày đặc trên một tuyến phố nên khi hoa sữa đồng loạt nở đã tỏa hương khá đậm, khiến nhiều người cảm giác khó chịu, thậm chí bị dị ứng.
Cây hoa sữa có tên khoa học là Alstonia scholaris, là loại cây thụ phấn nhờ gió. Hoa sữa thường mọc ở đầu cành thành các chùm lớn và mang nhiều hạt phấn. Hạt phấn của hoa sữa là chất lạ với cơ thể và gây dị ứng cho người nhạy cảm. Khi hít phải các hạt phấn này, tại mũi, họng, mắt sẽ sinh ra các phản ứng viêm, dị ứng.
Đa số người bị dị ứng hoa sữa có các triệu chứng như hắt hơi tràng dài, ngứa mắt, chảy nước mắt, ngứa mũi, chảy nhiều dịch mũi, nghẹt mũi… Mặc dù các triệu chứng này không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng thường gặp nhiều sự khó chịu và ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.
Thực tế, đã có những người phải chuyển nhà khỏi các tuyến phố có nhiều cây hoa sữa để không bị ảnh hưởng sức khỏe. Trước khi quận Đống Đa đề xuất, Hà Nội vào năm 2019 cũng từng di chuyển 100 cây hoa sữa khỏi phố Trích Sài (quận Tây Hồ) do mùi hương quá đậm đặc làm ảnh hưởng đến đời sống của cư dân, khiến nhiều người bức xúc.
Qua chuyện di chuyển cây hoa sữa có thể thấy việc quy hoạch, trồng cây xanh trên các tuyến phố ở Hà Nội là vấn đề cần đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng. Một biểu tượng của mùa thu Hà Nội như hoa sữa nhưng nếu trồng không hợp lý, tạo mùi hương quá đậm đặc thì cư dân sinh sống ở đó sẽ chẳng còn thấy thi vị, mà là khó chịu, bức bối.
Bình luận (0)