Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, được xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ từ chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30-5-2008 giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc. Đây là một trong những dự án để lại nhiều tai tiếng nhất trong hơn chục năm qua.
Đội vốn "khủng" và 8 lần lỡ hẹn
Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc 419 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam 133,86 triệu USD. Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc là Tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công).
Đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án đội lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).
Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong một lần chạy thử Ảnh: NGÔ NHUNG
Dự án có chiều dài tuyến trên cao 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông) và 12 nhà ga trên cao; vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến. UBND TP Hà Nội cũng đã công bố giá vé thấp nhất là 8.000 đồng/lượt; vé ngày là 30.000 đồng/ngày; vé tháng cho hành khách phổ thông là 200.000 đồng/tháng.
Dự án khởi công vào ngày 10-10-2011, ban đầu dự kiến đến tháng 6-2014 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình; chạy thử từ tháng 10-2014 và đến ngày 30-6-2015 chính thức khai thác thương mại. Thế nhưng, từ khi khởi công đến nay, dự án đã qua 8 lần phải điều chỉnh tiến độ và đến thời điểm này vẫn chưa rõ đến bao giờ mới có thể chính thức vận hành. Không chỉ đầy tai tiếng về chậm tiến độ, đội vốn khủng khiếp, dự án này còn để xảy ra ít nhất 6 vụ tai nạn làm 3 người chết, nhiều người bị thương khi thi công.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng dự án là bài học xương máu cho Việt Nam. Việc chậm tiến độ nhiều lần gây hậu quả nặng nề về kinh tế. "Họ hứa đưa vào vận hành thương mại không biết bao nhiêu lần, lần nào cũng như "đinh đóng cột" nhưng rồi đều thất hứa. Vậy phải truy trách nhiệm chứ không thể cứ nhùng nhằng mãi thế này. Dự án này biểu hiện của sự lãng phí rất lớn" - ông Long nêu quan điểm.
Nguy cơ tiếp tục kéo dài
Đến nay, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp; 99% vật tư, thiết bị đã chuyển đến công trường; lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị; đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019. Tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết. Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận dự án có nguy cơ tiếp tục kéo dài.
Theo ông Nguyễn Văn Thể, các vướng mắc cụ thể là chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ hoàn công công trình; chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chứng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống; chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng. "1% còn lại là một số hạng mục nhỏ. Hiện Bộ GTVT đã thuê tư vấn của Pháp để đánh giá an toàn hệ thống. Khi chứng nhận được tất cả thiết bị bảo đảm an toàn hệ thống thì mới có thể vận hành thương mại. Đây là quy định của pháp luật" - ông Thể thông tin.
Con số 1% tuy rất nhỏ nhưng đang là một trở ngại lớn. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói không thể đưa một công trình mà khi chưa bảo đảm an toàn, chưa nghiệm thu vào khai thác. Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ GTVT cũng cho rằng do dự án chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết để nghiệm thu nên chưa thể vận hành chính thức. Cụ thể, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước khi đưa vào vận hành chính thức phải có đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, được thực hiện độc lập bởi Liên danh nhà thầu quốc tế Apave-Certifier-Tricc và được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật. Sau đó, dự án phải được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước kiểm tra, đánh giá tổng thể lần cuối.
Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị Hà Nội, khẳng định đến thời điểm này, theo báo cáo của Sở GTVT TP Hà Nội, TP chưa nhận được thông tin chính thức gì từ phía Bộ GTVT về thời gian vận hành chính thức của dự án.
Bài học về xây dựng dự án
PGS-TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho biết bản thân ông và nhiều đại biểu rất thất vọng về dự án này. Thất vọng vì dự án vẫn mù mịt sau 8 lần lỡ hẹn và thất vọng vì chúng ta là chủ đầu tư nhưng lại để nhà thầu dẫn dắt, phải chạy theo họ. Đây là bài học về xây dựng dự án, lựa chọn nhà cung cấp nguồn vốn.
"Dự án có thành công hay không nằm ở 1% còn lại. Nếu như tư vấn về kiểm tra giám định chỉ ra rằng dự án này an toàn, có thể đưa vào vận hành được thì khi ấy chúng ta mới yên tâm và tin tưởng. Nếu câu trả lời là chưa đủ điều kiện thì dự án này còn tiếp tục kéo dài, thậm chí chưa thể biết ngày nào mới đưa vào vận hành được" - ông Cường nói.
Phần đội vốn phải trả cho Trung Quốc 650 tỉ đồng/năm
Hồi tháng 1-2018, Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ GTVT và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về việc trả nợ và phí cam kết cho khoản vay tín dụng 250 triệu USD (phần đội vốn) của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Chỉ tính riêng khoản vay bổ sung 250 triệu USD này từ Ngân hàng Xuất khẩu Trung Quốc, Việt Nam phải trả nợ Trung Quốc đúng hạn cả gốc lẫn lãi khoảng 650 tỉ đồng/năm. Thời hạn trả nợ 9 năm (2016-2025) với kỳ hạn 2 lần/năm.
Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 5-7 vừa qua, việc Bộ GTVT cho phép thiết kế kỹ thuật từng phần theo tiến độ là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, chưa kể có thể có rủi ro về chất lượng.
Bình luận (0)