Ngày 19-10, Hội trường Thống Nhất, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch đã phối hợp tổ chức Diễn đàn truyền thông quảng bá điểm đến với chủ đề "Hội tụ bản sắc nâng tầm di sản" từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến Hội trường Thống Nhất.
Ông Trần Hữu Phước, Quyền giám đốc Hội trường Thống Nhất, cho biết diễn đàn có ý nghĩa quan trọng nhằm giới thiệu các giá trị đặc sắc tại 2 di tích quốc gia đặc biệt, là một nét mới trong cách thức tổ chức hoạt động tại Hội trường Thống Nhất.
"Với hơn 1 triệu lượt khách đến tham quan mỗi năm, Hội trường Thống Nhất là một trong những điểm tham quan thú vị của TP HCM. Trong đó, sản phẩm du lịch hấp dẫn có thể kể đến đó chính là Trưng bày "Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 - 1966". Từ khi mở cửa đón khách vào tháng 3-2018 đến nay, mỗi năm sản phẩm du lịch này đón tiếp gần 350.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm" - ông Trần Hữu Phước nói.
Trong khi đó, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngày càng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, với việc khai thác sản phẩm du lịch ban đêm độc đáo.
Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đơn vị đã tổ chức rất thành công Chương trình trải nghiệm tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết sản phẩm du lịch về đêm ở đây được tổ chức nhằm nâng tầm di sản, với định hướng phát triển gắn với 3 trụ cột công nghiệp văn hóa, chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh. Văn miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với một số đối tác, chương trình tour vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng có nhiều tiềm năng để thành sản phẩm chính thức hấp dẫn.
"Chương trình tour trải nghiệm "Tinh hoa đạo học" ra mắt gần 1 năm trước nhưng đến nay đã thu hút cả khách trong nước và quốc tế, khi giới thiệu những tinh họa đạo học của Việt Nam với 3 truyền thống về tôn sự trọng đạo, hiếu học và trọng dụng nhân tài. Đáng chú ý, tour được kể bằng cách ứng dụng công nghệ, tạo sự khác biệt khi du khách được hòa mình vào không khí của ông đồ dạy học, hành trình đi học thời xưa, công nghệ tương tác qua kính thực tế ảo" - ông Lê Xuân Kiêu nói.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Tạ Di Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, nói rằng từ Văn miếu - Quốc Tử Giám tới Hội trường Thống Nhất, đang được đầu tư thêm để nâng tầm di sản, trên cơ sở tôn trọng và vinh danh lịch sử, tạo thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Đặc biệt, xu hướng này ngày càng phù hợp và đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Bởi sau COVID-19, khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế cho thấy nhu cầu tiếp cận du lịch bền vững, kết nối giá trị bền vững của du khách ngày càng tăng.
"Khảo sát của Booking.com cho thấy nếu tới Hà Nội, tour khám phá phố cổ sẽ là hình ảnh của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, còn tại TP HCM cứ 10 khách quốc tế đến sẽ có 5-6 khách chọn tới Hội trường Thống Nhất.
Do đó, việc ứng dụng công nghệ, sáng tạo để khai thác nguồn lực vốn có để tái cấu trúc sản phẩm cho điểm đến, nâng tầm di sản, tạo giá trị gia tăng cho ngành du lịch và nền kinh tế là cần thiết" - TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch phân tích.
Bình luận (0)