Không chỉ bán hàng riêng lẻ, nhiều chủ thể OCOP còn chủ động kết hợp với nhau để tạo sự đa dạng, tính tiện dụng cho sản phẩm. Các nhà phân phối và sở, ngành cũng giúp sức bán hàng OCOP trong dịp Tết này.
Quà Tết "5 trong 1" đắt hàng
Đã qua rằm tháng chạp, ông Trần Thanh Oanh, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thực phẩm ABZ (gọi tắt là Công ty ABZ; huyện Bình Chánh, TP HCM), vẫn tất bật đi về các tỉnh miền Tây để khảo sát doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất hàng OCOP, chuẩn bị tung thêm một số bộ sản phẩm quà Tết OCOP.
Ông Oanh là người khởi xướng bộ quà Tết OCOP "5 trong 1" đầu tiên của TP HCM với 5 sản phẩm đặc trưng của 5 huyện ngoại thành, gồm: rượu sâm đinh lăng OCOP 3 sao của huyện Bình Chánh, bột rau má uống liền Orama OCOP 4 sao của huyện Củ Chi, cà phê nông sản Meet More OCOP 4 sao của huyện Hóc Môn, mật dừa nước hữu cơ VietNipa OCOP 4 sao của huyện Cần Giờ và nước đông trùng hạ thảo OCOP 3 sao của huyện Nhà Bè. Với giá khoảng 500.000 đồng, bộ quà tặng bất ngờ được thị trường đón nhận rất tích cực.
"Hơn 1.500 hộp quà đã được tiêu thụ hết khi nhiều DN, đối tác làm ăn của chúng tôi có nhu cầu đặt hàng. Để khách có sự lựa chọn đa dạng hơn, tôi đang tìm thêm sản phẩm mới, dự định đưa ra thị trường thêm 3 combo quà Tết với các mức giá khác nhau" - ông Oanh cho hay.
Theo Giám đốc Công ty ABZ, tiêu chí lựa chọn sản phẩm cho các combo này là sản phẩm OCOP, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, trong đó ưu tiên sản phẩm thực dưỡng. Công ty ABZ đặt mục tiêu không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ở kênh siêu thị, theo ghi nhận của phóng viên, một số hệ thống cũng linh động đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản các vùng miền vào giỏ quà Tết. Chẳng hạn, Co.opmart giới thiệu giỏ quà đặc sản gồm hạt điều Bình Phước, cá dứa Cần Giờ, lạp xưởng Sóc Trăng, bánh tét Trà Vinh, tôm khô, hạt điều lụa, hạt mắc ca... có giá từ 499.000 đồng trở lên. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết so với giá bán từng món riêng lẻ, giá bán theo combo rẻ hơn 10% - 30%. Bên cạnh đó, Co.opmart, Co.opXtra còn giới thiệu những mẫu giỏ quà có hình thức "độc", lạ như giỏ quà theo cung hoàng đạo, ngũ hành; giỏ quà tạo hình chim công...
Đến thời điểm hiện tại, các hệ thống siêu thị ghi nhận sức mua giỏ quà Tết tăng 10% - 15% so với 1 tháng trước. Trong đó, giỏ quà bình dân với thành phần là đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP được ưa chuộng.
Cơ hội cho sản phẩm OCOP
Theo các DN, đưa sản phẩm OCOP vào giỏ quà Tết là cách mang sản phẩm này đến với người tiêu dùng nhiều hơn, giúp nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, đặc biệt là mở rộng thị trường cho nhóm hàng này một cách hiệu quả.
Nhằm tận dụng cơ hội trong dịp Tết này, tháng 12-2023, tại Hội nghị Kết nối cung - cầu TP HCM với các tỉnh - thành, các DN, HTX, cơ sở sản xuất đã giới thiệu hàng ngàn sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng TP HCM cùng các DN phân phối, nhà mua hàng. Rất nhiều sản phẩm được đánh giá cao về mẫu mã, bao bì, yếu tố địa phương và bảo đảm đầy đủ giấy tờ chứng nhận.
Các hệ thống bán lẻ tại TP HCM đang tăng cường phân phối hàng OCOP. Riêng Co.opmart phân phối 70 sản phẩm OCOP; hệ thống GO!, Big C, Top Market có 145 sản phẩm; hệ thống Satra có 34 sản phẩm; MM Mega Market có 106 sản phẩm... Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên các chủ thể OCOP còn nhiều hạn chế trong việc cung cấp sản phẩm cho kênh bán hàng hiện đại. "Phổ biến nhất là tình trạng các chủ thể sau khi ký được hợp đồng thì không đủ năng lực cung cấp theo đơn đặt hàng, không nhận chuyển hàng đến siêu thị xa, sản phẩm không đạt doanh thu nhiều tháng liên tiếp" - giám đốc marketing một hệ thống siêu thị phản ánh.
Từ thực tế trên, các hệ thống siêu thị cho rằng cần đa dạng kênh bán hàng cho sản phẩm OCOP nhằm kích hoạt sức mua, giúp sản phẩm có đầu ra ổn định, từ đó có đủ nguồn lực đầu tư, phát triển lớn mạnh hơn.
Về phía DN, ông Phan Minh Tiến, CEO Công ty Mật dừa nước VietNipa, cho rằng cần phát huy việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Chẳng hạn, bộ quà Tết "5 trong 1" của TP HCM không chỉ giúp DN bán được hàng mà còn giúp quảng bá thương hiệu, sản phẩm OCOP của thành phố. Đặc biệt, bộ sản phẩm tạo ra hiệu ứng tiêu thụ rất tốt - điều không có được nếu bán sản phẩm riêng lẻ.
Cần nhiều doanh nghiệp dẫn dắt
Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho biết sở đã phối hợp các hiệp hội DN xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm của địa phương, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP được triển khai từ năm ngoái và đang được nhân rộng.
Trong năm 2023, tỉnh Long An mở 3 điểm bán hàng OCOP, hỗ trợ sản phẩm OCOP tham gia kênh thương mại điện tử; sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm quà tặng Tết hay quà tặng trong hội nghị, hội thảo lớn.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp - tỉnh đứng thứ 4 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP - cho rằng cần thêm nhiều DN đầu mối dẫn dắt, hỗ trợ kết nối, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Riêng sở này đã chủ động nâng cao vai trò và năng lực thực hiện những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của tỉnh tại các thị trường trong và ngoài nước; xây dựng các điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm, bán hàng và kho trung chuyển hàng hóa...
Bình luận (0)