Từ đầu năm 2024, giá cước vận tải biển tăng cao đột ngột, trong đó có cước vận chuyển hàng hóa bằng container, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN). Mới đây, các hãng tàu nước ngoài lại đồng loạt tăng phí xếp dỡ hàng hóa tại cảng (THC) cùng nhiều loại phí khác, khiến DN đã khó lại càng thêm khó.
Đồng loạt tăng phí
Cụ thể, hãng tàu KMTC tăng phí THC từ 126 USD lên 138 USD cho container 20 feet kể từ ngày 15-2. Hay hãng Heunga tăng từ 120 USD lên 132 USD; hãng TSL tăng từ 3 triệu đồng lên 3,55 triệu đồng; hãng Yang Ming tăng từ 2,536 triệu đồng lên 3,042 triệu đồng từ 20-2...
Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP HCM - cho biết mức tăng phí THC mới không quá lớn, khoảng vài trăm ngàn đồng/container nhưng nếu cộng với các chi phí điện, xăng dầu, phí an ninh của hãng tàu… cũng nhấp nhỏm khiến chi phí tổng thể của DN tăng rất nhiều.
Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ Xuất khẩu, cước và các loại phí vận chuyển tàu biển thường tăng dây chuyền, "ông này tăng thì ông kia cũng tăng theo". Trong khi DN sản xuất, xuất khẩu đang trong tình trạng khó khăn, chịu đủ thứ sức ép.
"Thông thường cước, phí do đơn vị nhập khẩu chịu. Khi cước, phí tăng đồng nghĩa nhà nhập khẩu giảm số lượng nhập hàng vì càng nhập càng lỗ. Do đó, gánh nặng sẽ đổ vào DN sản xuất, xuất khẩu vì bên nhập khẩu thường lấy lý do trên để ép giá, giảm giá hàng xuất khẩu" - ông Mạnh lý giải.
Theo chủ một DN logistics có trụ sở tại TP HCM, việc tăng thêm phí THC dao động từ 12-15 USD/20 feet và 20-25 USD/40 feet không ảnh hưởng nhiều đến DN chỉ xuất 1-2 container mỗi tháng nhưng lại tác động đáng kể đến những DN xuất từ hàng chục đến hàng trăm container.
"Các loại phụ phí như phí xăng dầu, phí cân bằng container, phí chứng từ… đều do hãng tàu quyết định. Sắp tới có thể sẽ tăng theo phí THC. Khách hàng chịu hay không cũng vậy vì không còn lựa chọn nào khác. Chỉ có thể nhờ cơ quan chức năng kiểm soát để ổn định chi phí logistics" - chủ DN này nói.
Trong khi đó, bà Chu Thị Kiều Liên, Trưởng Chi nhánh Hà Nội Công ty TNHH T&M Forwarding (đại lý hãng tàu), cho biết hiện tại hầu hết hãng tàu đều đã tăng phí THC, cộng thêm giá cước vận chuyển tăng mạnh từ 2 tháng trước, đẩy chi phí logistics lên cao nên các DN lên tiếng là điều dễ hiểu.
"Đối với các đơn vị làm đại lý logistics như T&M Forwarding, chúng tôi thường chủ động thông báo việc tăng cước phí cho khách hàng từ rất sớm, để họ điều chỉnh chi phí đầu vào, giá mua, giá bán.
Tuy vậy, vẫn có một vài hãng tàu không những không báo trước mà đợi khi hàng đã lên tàu họ mới báo tăng phí đến vài trăm USD/container, nhất là các hãng đi tuyến châu Âu, đẩy khách hàng vào thế bị động. Để giữ chân khách, đại lý phải đứng ra chịu thay mức phí tăng thêm này" - bà Liên nêu thực tế.
Kiểm soát chặt các loại phụ phí
Trước việc tăng phí tùy tiện của các hãng tàu, ảnh hưởng lớn đến các DN, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC) mới đây đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan về việc tăng cường quản lý phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.
Tại văn bản này, ông Phan Thông, Tổng Thư ký VNSC, cho biết từ nhiều năm nay, các hàng tàu nước ngoài đã tự ý thu hàng chục loại phí và phụ phí khác nhau đối với hàng hóa của DN xuất nhập khẩu. Không chỉ vậy, các hãng tàu còn liên tục tăng các loại phí và phụ phí này mà thiếu căn cứ, cơ sở, cũng như chưa tuân thủ theo quy định quản lý nhà nước.
Ông Phan Thông còn cho biết thêm việc tăng phí TCH của các hãng tàu diễn ra ngay khi Thông tư 39/2023/TT của Bộ Giao thông Vận tải quyết định điều chỉnh giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container, lai dắt vừa có hiệu lực từ 15-2. Điều đáng nói là việc tăng phí này chỉ áp dụng đối với Việt Nam, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều chưa có động thái tăng phí THC.
Ngoài ra, nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì mức 10%-20% tăng phí THC của hãng tàu cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam. Đặc biệt, các hãng tàu chỉ thông báo thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc nào.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện nay các hãng tàu nước ngoài niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày, không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc từ các quy định nào của cơ quan chức năng.
Điều này đã khiến các DN rất bức xúc, song đến nay vẫn chưa giải quyết được triệt để. Vì vậy, ông Hiệp cho rằng nhà nước cần có biện pháp siết lại công tác quản lý phụ phí đối với hãng tàu nước ngoài. Phải nghiên cứu về mặt pháp lý cũng như thông lệ quốc tế.
Ông Phan Thông cũng đề xuất các cơ quan liên quan có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để kiểm soát hành vi điều chỉnh phí THC, phụ phí của các hãng tàu nước ngoài. Có thể bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý và ban hành.
Để tránh trường hợp tùy ý tăng giá và lạm thu, có thể quy định hãng tàu có báo cáo về cơ cấu phí THC, trường hợp các phụ phí này siêu lợi nhuận cơ quan chức năng cần phải áp dụng các chính sách thu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Giá cước vận chuyển tháng 2 có giảm nhẹ so với tháng 1
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP Đà Nẵng), cho biết cước vận chuyển container tháng 2 có giảm so với tháng 1 vì các hãng tàu cạnh tranh nhau để hút khách nhưng chưa giảm về năm 2023 vì xung đột tại Biển Đỏ chưa kết thúc.
Ông Đặng Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Logistics Mega A, cũng xác nhận giá vận chuyển container 40 feed từ Việt Nam sang châu Âu từ 5.500 USD xuống còn 3.500 USD; từ 3.500 USD xuống 2.500 USD/container 40 feed vận chuyển sang Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu do lượng hàng xuất nhập khẩu thấp nên các hãng tàu phải giảm giá để hút khách.
"Dự báo trong thời gian tới, cước tàu tuyến châu Á đến châu Âu và châu Mỹ có thể giảm tiếp vì rơi vào mùa thấp điểm. Phải tháng 6, khi thị trường bước vào mùa tựu trường và mùa mua sắm cuối năm, lưu lượng hàng hóa tăng thì cước tàu mới dễ tăng lại" - ông Long bày tỏ.
Bình luận (0)