Luật sư Hà Hải, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự:
Lập đường dây nóng
Để giải quyết triệt để tình trạng ẩu đả, đánh nhau sau va chạm giao thông, cần có các giải pháp toàn diện từ nhiều góc độ, bao gồm pháp luật, giáo dục và xã hội.
Đầu tiên, là tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thứ hai, là nâng cao ý thức pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông. Bên cạnh đó là đưa nội dung văn hóa giao thông và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn vào chương trình giáo dục tại các trường học.
Thứ ba, có thể lập đường dây nóng để người dân có thể liên hệ ngay với cảnh sát giao thông hoặc các lực lượng hỗ trợ trong trường hợp xảy ra va chạm.
Cuối cùng, sử dụng công nghệ hỗ trợ như trang bị camera tại các điểm giao thông trọng yếu để ghi nhận hành vi vi phạm, hỗ trợ xử lý và làm bằng chứng pháp lý.
ThS tâm lý Nguyễn Hải An:
Mọi bức xúc được giải quyết nhanh chóng
Vấn đề va chạm giao thông không chỉ nằm ở sự cố xảy ra trên đường, mà còn xuất phát từ tâm lý và hành vi văn hóa của con người. Để xử lý hiệu quả, cần bắt đầu từ những giá trị văn hóa, tập trung vào niềm tin và sự an tâm của cả người bị hại lẫn người xâm hại. Mọi người cần được bảo đảm rằng mọi bức xúc và quyền lợi của mình sẽ được giải quyết trong vòng 24 giờ dựa trên ba tiêu chí cốt lõi: nhanh chóng, chính xác và công bằng.
Trước tiên, tốc độ phản ứng nhanh chóng là yếu tố quyết định để giảm thiểu xung đột ngay từ ban đầu. Khi xảy ra va chạm, nếu không có một giải pháp nào ngay lập tức giúp các bên giải tỏa bức xúc, rất dễ dẫn đến hành vi mất kiểm soát như tranh cãi, xúc phạm hay thậm chí là bạo lực. Một kênh phản ánh dễ dàng tiếp cận, có thể qua điện thoại, ứng dụng di động hoặc đội ngũ trực tiếp tại hiện trường, cần được thiết lập để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng ngay khi cần. Điều này không chỉ giúp giải quyết nhanh mà còn tạo cảm giác rằng mỗi cá nhân đều được lắng nghe và hỗ trợ kịp thời.
Thứ hai, sự chính xác là yếu tố không thể thiếu. Mọi phản ánh cần được tiếp nhận và xử lý theo đúng sự thật, đúng người và đúng việc. Lực lượng chức năng khi tiếp cận hiện trường phải bảo đảm thu thập đủ thông tin, từ hình ảnh camera, lời khai nhân chứng cho đến các bằng chứng thực tế khác, để đưa ra kết luận minh bạch. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tranh cãi mà còn tạo niềm tin vào sự công tâm của pháp luật.
Cuối cùng, sự công bằng phải được bảo đảm qua việc đền bù hợp lý, thậm chí nhiều lần giá trị tổn thất cho người bị hại, đặc biệt với những tổn thất về mặt tinh thần. Khi người dân cảm nhận được rằng mọi thiệt hại của mình, dù là về vật chất hay tinh thần, đều được bù đắp xứng đáng, họ sẽ bớt đi cảm giác bất công và bức xúc. Ngược lại, người xâm hại cũng cần thấy rõ hậu quả nghiêm trọng nếu vi phạm pháp luật hoặc gây tổn thương cho người khác, từ đó hình thành thói quen hành xử cẩn trọng và văn minh hơn.
Nếu có một cơ chế bảo đảm giải quyết mọi phản ánh trong vòng 24 giờ theo ba tiêu chí này, chúng ta không chỉ giải quyết được những vấn đề tức thời mà còn xây dựng được một niềm tin lâu dài vào pháp luật. Mỗi cá nhân sẽ dần ý thức hơn về vai trò của mình trong việc duy trì văn hóa giao thông và hạn chế tối đa những xung đột không đáng có. Khi người dân tin họ đúng và xứng đáng được bảo vệ kịp thời, thì họ sẽ không dùng bạo lực. Đây không chỉ là một giải pháp, mà còn là một nền tảng quan trọng để hình thành một xã hội giao thông văn minh và nhân văn hơn.
Luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+:
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Trước hết, cần phải nhận định giải pháp bền vững và lâu dài nằm ở việc giáo dục nâng cao nhận thức, văn hóa ứng xử của người dân khi tham gia giao thông, cùng với đó là các chính sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, giảm thiểu mật độ xe cộ lưu thông.
Bên cạnh đó, có những giải pháp có thể thực hiện ngay để góp phần xây dựng văn hóa giao thông, mà trước hết là áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự của người khác trong tham gia giao thông. Việc công an liên tiếp khởi tố các tội danh "cố ý gây thương tích", "gây rối trật tự công cộng" trong thời gian gần đây là những bài học đắt giá và có tác dụng cảnh tỉnh đối với người tham gia giao thông nói chung về cách ứng xử khi xảy ra va chạm.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định an toàn giao thông. Thực tế, người dân sẽ chấp hành tốt hơn các quy định an toàn giao thông khi có sự giám sát từ cơ quan chức năng, góp phần tạo nên thói quen thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông.
Bình luận (0)