Mơ hồ về người sử dụng
Tuy nhiên, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cũng xác định đối tượng sử dụng tác phẩm của mình phải có nghĩa vụ xin phép và trả tiền tác quyền là nhà tổ chức biểu diễn chứ không phải ca sĩ. “Cát sê ca sĩ được nhận là thù lao xứng đáng dành cho họ, vì họ là nhân tố quan trọng đưa tác phẩm đến với công chúng. Điều quan trọng là khi nhà tổ chức mời ca sĩ đến biểu diễn bài hát này bài hát kia thì họ phải nghĩ đến nhạc sĩ chứ không nên cố tình lờ đi” - nhạc sĩ này nói.
Theo nhạc sĩ Quốc An: “Thực tế, không tác giả nào muốn tiền tác quyền thuộc về mình bị thất thoát, nhất là khi cuộc sống của nhạc sĩ hiện nay không khá giả gì. Thế nhưng, cũng không thể bắt ca sĩ trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ thay cho đơn vị tổ chức vẫn làm như lâu nay. Có những chương trình biểu diễn mang tính chất nội bộ, ở đó ca sĩ biểu diễn được trả tiền thù lao rất cao nhưng cũng không thể bắt ca sĩ phải làm nghĩa vụ trả tiền tác quyền cho tác giả vì đơn giản đó không phải là việc của họ”.
Lúng túng
Nhạc sĩ Minh Châu tỏ ra hài lòng với những gì đang có. “Tôi thấy rất ổn với hệ thống thu trả tiền tác quyền mà Việt Nam vẫn đang áp dụng. Tức là với những chương trình biểu diễn, nhà tổ chức sẽ lo thực hiện nghĩa vụ tác quyền cho tác giả. Ca sĩ cũng chỉ là những người đi hát lấy tiền công nên họ không phải trả thêm tiền phí tác quyền. Vì vậy, với những chương trình biểu diễn sự kiện có thù lao cao mấy đi nữa, nhạc sĩ cũng chỉ trông cậy vào ý thức trách nhiệm của đơn vị tổ chức mà thôi. Tất nhiên, điều này đi ngược với thị trường giải trí ở nước ngoài.
Nhạc sĩ Giáng Son cho biết ngoài việc bán độc quyền ca khúc cho một ca sĩ nào đó, chị vẫn nhận được tiền tác quyền từ cả ca sĩ lẫn Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam. “Nhiều người gọi điện thoại trực tiếp cho tôi xin phép được hát bài này hay bài khác, tất nhiên, tôi đồng ý thôi” - tác giả của ca khúc Giấc mơ trưa nói. Tuy nhiên, không phải nhạc sĩ nào cũng được các ca sĩ ứng xử như trường hợp của Giáng Son.
Mỗi người nói một kiểu Ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam Chi nhánh TPHCM, cho biết trung tâm này chỉ có thể thu tác quyền những chương trình biểu diễn có xin phép công diễn của cơ quan quản lý.
Trong khi đó, những chương trình biểu diễn thuộc về sự kiện lại có rất nhiều và thường ít khi xin phép biểu diễn nên trung tâm không có khả năng kiểm soát hết, đương nhiên cũng không thu được tiền tác quyền.
Hầu hết những chương trình sự kiện được tổ chức mang tính chất nội bộ của đơn vị, gia đình nên không ai nghĩ sẽ phải xin phép tác giả dù đấy là việc làm cần thiết.
Bà Phạm Thanh Thủy, luật sư chuyên về bản quyền của Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, cho rằng theo quy định của luật pháp hiện nay, các chương trình không mang mục đích thương mại như đám cưới, tổng kết, khai trương… thì không thu tiền bản quyền. Việc thu tiền chỉ thực hiện trong môi trường kinh doanh. |
Kỳ tới: Ca sĩ chứ không ai khác
Bình luận (0)