Đáp lại tờ đơn kiến nghị của hơn 30 nhạc sĩ gửi đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) và những phát biểu chỉ trích Cục Nghệ thuật Biểu diễn của giám đốc Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là hàng loạt bài viết “công kích” VCPMC đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn đăng tải trên website của mình. Vấn đề cốt lõi mà dư luận cũng như giới nhạc sĩ đang trông chờ là việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc thì vẫn không được hai bên cùng ngồi lại bàn bạc tìm cách giải quyết...
Đòi thu hồi giấy phép của VCPMC
Khởi nguồn cuộc chiến tác quyền này là trong lá đơn kiến nghị gửi Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nhiều nhạc sĩ cho rằng việc cục và một số sở VH-TT-DL cấp phép biểu diễn cho các cá nhân đã gây cản trở việc thực thi những quy định của pháp luật về quyền tác giả trong lĩnh vực biểu diễn.
Các chương trình ca nhạc biểu diễn tại TPHCM đều phải thực hiện nghĩa vụ tác quyền trước khi xin cấp phép công diễn.
Trong ảnh: Ca sĩ Hồng Hạnh biểu diễn trong chương trình Tình khúc còn mãi với thời gian. Ảnh: NGUYỄN BÁ NGỌC
Bằng chứng là có đến 90% các chương trình biểu diễn ca nhạc tại Hà Nội và các khu vực lân cận vi phạm quy định về quyền tác giả. Các nhạc sĩ yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn chỉ cấp phép cho các cá nhân, tổ chức biểu diễn đã xin phép và được sự đồng ý của họ đúng như những quy định của luật pháp.
Luật sư Trần Đình Triển, người nhận lời tư vấn cho Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đã viết trên website của cục này rằng VCPMC là một bộ phận nằm trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam mà không thông qua chủ quản, tự mình sử dụng tư cách VCPMC đi khiếu nại, kiến nghị khắp nơi là vượt thẩm quyền.
Theo ông Triển, cần phải thanh tra làm rõ hoạt động của VCPMC. Không thể để tổ chức này qua mặt các nhạc sĩ ép người sử dụng tác quyền phải thông qua mình như một cơ quan có quyền uy rồi ăn chia không rõ ràng. Cần nhanh chóng thu hồi giấy phép hoạt động của VCPMC.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng tố VCPMC mập mờ về thu chi tiền phí tác quyền. Nếu Cục Nghệ thuật Biểu diễn giúp đỡ, hỗ trợ VCPMC để thu tiền tác quyền như đòi hỏi của trung tâm này thì vô hình trung sẽ tiếp tay cho một tổ chức hoạt động nghề nghiệp (gần như tư nhân) để chiếm đoạt công sức của các nhạc sĩ.
Cuối cùng, cục khẳng định không có ý định thực hiện đề nghị thay đổi nội dung hồ sơ xin cấp phép biểu diễn của VCPMC. Cục cũng cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước không được phép bắt buộc các đơn vị tổ chức biểu diễn trình hóa đơn đỏ hoặc giấy xác nhận đã nộp tiền tác quyền, mà chỉ được phép yêu cầu họ chấp hành nghiêm pháp luật.
Vai trò bảo hộ của Nhà nước ở đâu?
Tuy nhiên, ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, nói với phóng viên Báo Người Lao Động rằng VCPMC không hề yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn buộc đơn vị tổ chức biểu diễn phải đưa ra “hóa đơn đỏ” hay thu hộ tiền cho rồi mới cấp phép biểu diễn. Điều các nhạc sĩ và trung tâm này mong muốn là khi cấp phép cho các đơn vị tổ chức biểu diễn, cục phải hỏi họ đã được quyền sử dụng tác phẩm chưa và quyền được sử dụng các tác phẩm ấy được chứng minh bằng hợp đồng.
Ông Phương cho hay Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định tổ chức hoặc cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm phải xin phép và trả tiền sử dụng tác quyền. Việc xin phép này phải thể hiện bằng hình thức hợp đồng theo mẫu tại điều 48 của luật này. Như vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cần làm đúng quy định pháp luật là kiểm tra hợp đồng sử dụng tác phẩm của tác giả với đơn vị sử dụng trước khi cấp phép biểu diễn.
“Các tác phẩm văn học nghệ thuật được Nhà nước bảo hộ, vậy sự bảo hộ ở đây là như thế nào khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho phép các nhà tổ chức được biểu diễn những tác phẩm mà chưa được sự đồng ý của tác giả?”- nhạc sĩ Văn Dung đặt câu hỏi.
Trong bài viết của mình, luật sư Trần Đình Triển cũng khẳng định người nào không xin phép, không kí hợp đồng với người sở hữu tác quyền thì trách nhiệm của Nhà nước là xử lý khiếu nại, hoặc đôi bên có quyền khiếu nại để tòa án giải quyết tranh chấp. Nhà nước sẽ giúp đỡ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Còn việc các nhạc sĩ, đặc biệt là VCPMC, muốn biến Cục Nghệ thuật Biểu diễn thành “người làm thuê”, tức phải có ý kiến của nhạc sĩ hay VCPMC thì mới được cấp phép biểu diễn là sai, yêu cầu đó là vượt quá quy định của pháp luật. Luật Sở hữu trí tuệ không quy định như vậy. Bộ VH-TT-DL và Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng không thể làm được và nếu đưa ra quy định đó thì sớm hay muộn, cục sẽ vi phạm pháp luật.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết ông không nhận được tiền bản quyền với tác phẩm nào của mình cho đến khi ủy quyền cho VCPMC. “Tiền tác quyền không đáng bao nhiêu nhưng các đơn vị sử dụng ở TPHCM đều xin phép và chi trả rất đầy đủ. Các nhà tổ chức ở phía Bắc không làm được điều đó” - nhạc sĩ nổi tiếng này cho biết.
Ông cũng cho hay nếu VCPMC hoạt động còn chưa ổn thì cơ quan quản lý cứ thanh, kiểm tra để từ đó rút kinh nghiệm, cải tiến cách làm. Về phía nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông vẫn ủng hộ việc ủy quyền cho VCPMC cũng như việc trung tâm này bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ.
Vấn đề đặt ra là tại sao trong cùng một đất nước lại có những quy định rất khác nhau về tác quyền. Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho hay Sở VH-TT-DL TPHCM làm rất nghiêm việc tác quyền, phải có hợp đồng xin phép sử dụng tác phẩm mới được cấp phép. Vậy sở này làm sai hay Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các sở khác làm sai? Câu hỏi này cần phải được giải đáp.
Cần có tiếng nói chung
Luật đã rõ ràng nhưng việc thực hiện thì rất thiếu rõ ràng, nghiêm túc nên mới làm thiệt hại đến tác quyền nhạc sĩ rất lớn như vừa qua (theo VCPMC thì thất thoát tới 90% tiền tác quyền hằng năm). Vì thế, các nhạc sĩ mới kiến nghị tới các cơ quan liên quan đề nghị Nhà nước cần có chỉ thị mạnh mẽ hơn cho việc thực hiện luật đã ban. Điều đó không thể nói các thành viên của VCPMC là sai được.
Về phía Cục Nghệ thuật Biểu diễn, tôi không nghĩ là họ chống lại quyền lợi của nhạc sĩ mà ngược lại, lâu nay chính họ cũng đang tích cực thúc đẩy việc thực thi tác quyền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, cũng không nên ký những quyết định cho phép đối tượng sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ mà chưa được sự đồng ý của tác giả và chủ sở hữu.
Nếu Cục Nghệ thuật Biểu diễn chưa thấy có quy định pháp lý bắt buộc phải có sự đồng ý của tác giả mới được cấp phép thì cũng chẳng khó khăn gì để nhận ra pháp luật đã quy định những điều trên. Trong trường hợp này, thiết nghĩ Cục Nghệ thuật Biểu diễn và VCPMC cần có tiếng nói chung để tham mưu cho Nhà nước bổ sung những quy định dưới luật cho chặt chẽ thì việc thực thi pháp luật sẽ tốt hơn.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo |
Bình luận (0)