Theo quy định tại điều 18, điều 19 và điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009, quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Theo đó, tác giả sẽ có toàn quyền trong việc công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính... Như vậy, việc các ca sĩ hiện nay sử dụng các tác phẩm âm nhạc để biểu diễn, trình diễn trong các chương trình ca nhạc mà không liên hệ với các nhạc sĩ, cũng như không thanh toán phí tác quyền là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ cũng như xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của các nhạc sĩ.
Ca sĩ Phương Linh trình diễn trong chương trình Âm nhạc và bước nhảy. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc
Các ca sĩ muốn trình diễn các tác phẩm âm nhạc trước hết cần phải có sự chấp thuận của các nhạc sĩ - tác giả sáng tác ra các tác phẩm ấy, sau đó cần phải thỏa thuận với các nhạc sĩ về mức phí tác quyền sẽ phải thanh toán trong từng trường hợp cụ thể. Bởi lẽ việc các ca sĩ biểu diễn các tác phẩm âm nhạc không nằm trong các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao.
Ở các nước trên thế giới, ca sĩ là người thực hiện nghĩa vụ tác quyền đối với nhạc sĩ. Thực tế ở Việt Nam cho thấy lâu nay việc xin phép và thanh toán tiền tác quyền cho tác giả là do các đơn vị tổ chức biểu diễn làm thay cho ca sĩ nên lâu ngày hình thành thói quen khiến cho cả giới ca sĩ lẫn nhạc sĩ và nhà tổ chức chương trình biểu diễn nghĩ rằng nhà tổ chức chương trình biểu diễn phải có nghĩa vụ thực hiện việc xin phép tác giả và đóng phí tác quyền. Trong khi nghĩa vụ này thuộc về ca sĩ, những người trực tiếp sử dụng tác phẩm âm nhạc để biểu diễn trước công chúng chứ không phải ai khác.
Sở dĩ xảy ra tình trạng ca sĩ vi phạm tác quyền tràn lan như hiện nay là do vai trò của tổ chức bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ còn khá mờ nhạt. Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vẫn chưa thể hiện được vai trò bảo hộ pháp lý của mình tương xứng với mức phí mà tổ chức này được hưởng từ các hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của mình.
Để quyền tác giả của các nhạc sĩ được bảo hộ tốt hơn, chúng ta cần đổi mới cách thức bảo vệ quyền tác giả của các nhạc sĩ thông qua tổ chức bảo vệ quyền của các nhạc sĩ. Các ca sĩ muốn biểu diễn cần thỏa thuận, đàm phán trực tiếp với nhạc sĩ về thời lượng, phí bản quyền, hình thức biểu diễn... nhằm tạo sự chủ động cho nhạc sĩ và nâng cao quyền lợi cho các nhạc sĩ Việt Nam.
Về phía tổ chức bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ, ngoài việc đóng vai trò là cầu nối trung gian và là môi trường để các bên gặp gỡ, bàn bạc với nhau thì còn phải nắm vững các quy định của pháp luật, đặc biệt là pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, phải có chức năng thực hiện các dịch vụ pháp lý, nhằm thực hiện kịp thời các biện pháp pháp lý bảo vệ triệt để quyền lợi cho các nhạc sĩ khi quyền tác giả của họ bị xâm phạm. Ngoài ra, cần mở rộng cho nhiều tổ chức, trung tâm có chức năng pháp lý như hội luật gia, đoàn luật sư, các tổ chức dịch vụ pháp lý khác được thực hiện việc bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để tránh tình trạng độc quyền và từ đó dẫn đến sự bảo vệ không tốt quyền lợi cho các nhạc sĩ như hiện nay.
Hát có thù lao, ca sĩ phải xin phép và trả phí
Ông Vũ Ngọc Hoan, Cục phó Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cho biết theo quy định tại điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ có biểu diễn trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào mới không phải xin phép tác giả. Chiếu theo quy định này, ca sĩ đi hát đám cưới, hội nghị tổng kết… có nhận cát sê đều phải xin phép và trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Trường hợp như đám cưới ở Hương Sơn, Hà Tĩnh thì ca sĩ không những phải đóng tiền tác quyền mà còn phải đóng cả thuế thu nhập cá nhân. |
Bình luận (0)