Vợ, con khóc, họ hàng can ngăn, nhưng ông Ngọ vẫn quyết bán con trâu "đầu cơ nghiệp" để lấy tiền… "chơi" cây. Sau 20 năm, ông đã có cả một vườn sinh thái Đầm Bạc, với nhiều cây giá trị hàng tỷ đồng.
Cây sanh “Phố cổ Hà Nội” là một trong các “kiệt tác” do chính bàn tay ông Nguyễn Văn Ngọ, ở khu 3, xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) nhào nặn nên.
Một góc "Phố cổ Hà Nội" được ông Nguyễn Văn Ngọ tái hiện bằng cây sanh vô cùng độc đáo, có một không hai.
Hỏi nhà ông Ngọ không khó, bởi ở mảnh đất đồi gò Đồng Trúc này ai chẳng biết ông. Ông không chỉ nổi tiếng với chuyện bán trâu để đổi lấy một cây lộc vừng, mà ông còn nổi tiếng bởi nghị lực, khát khao làm giàu. Đặc biệt, ông còn nổi tiếng là người có bàn tay tài hoa, làm ra những cây cảnh tuyệt tác luôn được đánh giá cao tại các cuộc triển lãm, đặc biệt là dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Ông Hoàng Hữu Mười ( quê ở Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) vừa là bạn trong nghề, bạn thơ đã không tiếc lời ca ngợi người bạn của mình: “Mặc dù bước vào nghề chưa lâu, nhưng ông Ngọ được anh em trong nghề đánh giá rất cao, bởi sự tài hoa của đôi tay và khả năng nhìn thấy “lộc” từ cây”.
Góc phố cổ Hà Nội rêu phong, cổ kính, khi những bức tường, nếp nhà bị những rễ cây "cổ thụ" bám vào chằng chịt.
Ngồi dưới ngôi nhà bát giác, xung quanh có đến hàng trăm chậu, ang cây cảnh đủ loại, ông Ngọ chậm rãi kể lại “giai thoại” lập nghiệp của mình.
Ông kể, gia đình ông nghèo lắm. Một buổi trưa hè năm 1992, khi đi bán cá trê giống về, ông chợt nhìn thấy một cây lộc vừng cực đẹp tỏa bóng bên ao ở huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ). Ông rất mê và khi hỏi thì chủ nhân ra giá 1,5 triệu đồng. Sờ trong túi chỉ có 200.000 đồng tiền bán cá tanh, ông Ngọ đành bảo với chủ cây rằng, ông đặt cọc trước 200.000 đồng, 2 ngày nữa sẽ gửi đủ. Nếu 2 ngày sau không trả đủ, thì chủ cây có quyền bán cây và không phải trả lại 200.000 đồng đặt cọc.
Ông về rủ người mua chung, nhưng họ đều từ chối, vay tiền họ cũng không cho. Thất vọng, ông lên ngân hàng huyện vay, nhưng một lần nữa ông bị từ chối vì không đủ điều kiện. Ông tiếc lắm, không phải vì mất 200.000 đồng, mà tiếc vì vận hội, niềm đam mê cây cảnh không thực hiện được. Hôm sau, khi vừa đi bừa về, ông cột cho trâu ăn rơm ở đầu ngõ, vừa lúc đó gã lái trâu đi qua thấy trâu béo, mã đẹp, gã gạ mua, thế là ông bán luôn với giá 1,5 triệu đồng.
Trên tường, dưới nền khu phố cổ Hà Nội đều bị các rẽ cây đan chằng chịt.
Trong khi đó, nóc một ngôi nhà bị một cành cây sanh "cổ thụ" mọc xuyên qua.
Ông Nguyễn Văn Ngọ cho biết, để có được kiệt tác sanh "Phố cổ Hà Nội" này ông phải mất gần 20 năm uốn nắn và chăm sóc cây.
Về nhà ông nhẹ nhàng nói với vợ con: “bố bán trâu rồi, lát nữa hai mẹ con dắt sang bên đường cho người ta!”. Nghe tin “động trời”, biết chồng bán trâu để mua cây lộc vừng, vợ ông khóc rống lên: “Các con ơi! Bố mày bán mất “đầu cơ nghiệp” rồi”...
Vừa đưa cây về hôm trước, hôm sau ông Đào ở xã Quảng Bị (Chương Mỹ) một người chơi cây cảnh nghe tin đã trả 2,8 triệu đồng. Thấy ông chần chừ, ông Đào đã trả 4,8 triệu đồng, nhưng vẫn không bán. Hai năm sau, ông mới bán cho ông Vũ Mạnh Hào với giá 7 triệu đồng, ông Ngọ kể lại.
“Cứ thế, cái duyên chơi cây cứ ngấm vào tôi, cứ mỗi năm tôi mua thêm vài chục cây, rồi uốn nắn, cắt tỉa. Đến nay tôi có cả nghìn cây các loại, nhiều cây có giá hàng tỷ đồng. Nhưng cây tôi rất tâm đắc và dành nhiều thời gian nhất có lẽ là cây sanh “Phố cổ Hà Nội”. Tác phẩm này tôi lấy cảm hứng từ chính những bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái vẽ về phố cổ Hà Nội” – ông Ngọ vui vẻ cho biết.
Ông Ngọ cho biết, cây sanh "Phố cổ Hà Nội" này là một trong những tác phẩm ông dành nhiều tâm huyết, thời gian chăm sóc nhất. Theo ông, hiện đã có người trả 1 tỷ đồng, nhưng ông chưa bán. Ông cho biết thêm, càng về già cây càng đẹp và có giá trị cao.
Nằm ở trung tâm vườn sinh thái, cây sanh “Phố cổ Hà Nội” như một vì sao sáng, là linh hồn của cả vườn sinh thái, đẹp đến mê hoặc. Ông Ngọ cho biết, ông đã “nuôi”, uốn nắm cây sanh này gần 20 năm nay.
“Để có được một cây sanh dáng làng (tán đa cổ thụ - PV) không phải là đơn giản, đòi hỏi mất rất nhiều thời gian, công sức. Cái khó ở chỗ, mình phải “xây” những ngôi nhà cổ, sau đó uốn nắn chờ cho cây ra rễ ôm lấy những ngôi nhà, bức tường cổ của phố cổ Hà Nội lại” – ông Ngọ chia sẻ.
Theo quan sát của PV, cây sanh “Phố cổ Hà Nội” này khoảng 60 tán và hàng chục chiếc rễ mọc đâm xuống đất, với thế rất vững chãi. Ở giữa là một ngôi nhà 2 tầng lợp ngói đỏ và 2 ngôi nhà thấp, tường rêu phong, rễ cây mọc chằng chịt. Cây sanh cao khoảng 1,8m, dài hơn 3m. Nhìn xa trông rất giống một góc phố cổ Hà Nội, trong các bức tranh kinh điển của danh họa Bùi Xuân Phái.
Ông Ngọ chia sẻ cái đẹp của tác phẩm này nằm ở chỗ ý tưởng và sự cầu kỳ uốn nắn các rễ, cành cây mọc xuyên qua kẽ, tường của ngôi nhà, như một cây sanh khổng lồ đang vươn mình ôm trọn lấy góc phố cổ Hà Nội.
Bình luận (0)