xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cúi đầu bái phục kiến trúc nhà cổ của người Mông

Theo Minh Phượng (CSTC)

Khách du ắt sẽ phải thán phục trước những ngôi làng mang lối kiến trúc độc đáo, đó là những ngôi nhà trình tường.

Ngược về cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), du khách rất dễ bị thu hút bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Không những vậy, họ còn bị lôi cuốn bởi những ngôi làng mang những lối kiến trúc độc đáo, đó là những ngôi nhà trình tường.

Các ngôi nhà ở đây đều mang màu xám của đá và màu nâu vàng của tường đất, nổi bật giữa những hàng rào đá tạo nên một bức tranh hoang sơ, kỳ bí, khiến bất cứ ai khi đi ngang qua cũng phải dừng lại ngắm nhìn.

Ngỡ ngàng những ngôi nhà trình tường

Dọc theo quốc lộ 4C với con đường mang tên Hạnh Phúc từ thành phố Hà Giang qua Yên Minh lên Đồng Văn, Mèo Vạc, người ta rất dễ bắt gặp những bản làng, hoặc các ngôi nhà trình tường.

Trên cao nguyên đá Đông Văn, dân tộc Mông chiếm đa phần, như Mông trắng, Mông đỏ, Mông đen, Mông xanh và Mông hoa, sống trên những triền núi cao ngút ngát, với điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Cúi đầu bái phục kiến trúc nhà cổ của người Mông  - Ảnh 1.

Nhà trình tường của người Mông được bao quanh bởi những hàng rào đá.

Để chống chọi với điều kiện khí hậu này, đồng bào Mông thường sống trong những ngôi nhà trình tường, bởi nó mát dịu vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, đây cũng chính là lối kiến trúc đặc trưng của miền cao nguyên đá, tạo nên điểm nhấn hút khách du lịch. Những ngôi nhà trình tường chính là sản phẩm chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống mà đồng bào người Mông lưu giữ.

Tất cả các ngôi nhà trình tường của người Mông hầu như đều được bao bọc bởi những bức tường rào đá. Những viên đá kết thành hàng rào bao quanh ngôi nhà có chiều cao không quá nửa người. Đá muôn hình vạn trạng, nhiều kích cỡ khác nhau, nhưng họ đã rất khéo léo chèn khít vào nhau, tạo thành một hàng rào chắc chắn.

Điều tài tình là những hàng rào này chẳng cần một chất kết dính nào mà đá vẫn khít chặt. Để có những bức tường rào ấy, gia chủ cùng người thân phải mất hàng tháng trời mang các viên đá ở quanh nhà về xếp thành.

Điều ấn tượng nhất đối với những hàng rào đá này chính là những cây đào, cây mận, cây mơ. Khi mùa xuân đến, nét đẹp nguyên sơn, thơ mộng bỗng được tô điểm bởi màu đỏ của hoa đào, màu trắng muốt của hoa mơ, hoa mận, hoa lê, màu xám của hàng rào đá và màu nâu vàng của ngôi nhà trình tường, tất cả như hòa quyện tạo thành một bức tranh thiên nhiên độc đáo giữa cao nguyên đá.

Cúi đầu bái phục kiến trúc nhà cổ của người Mông  - Ảnh 2.

Móng nhà trình tường được kê cao hơn mặt sân khoảng hai gang tay.

Người Mông dựng các ngôi nhà trình tường dựa lưng vào núi, mỗi bản chỉ vỏn vẹn có vài nóc nhà, có bản chỉ có một dòng họ hoặc nhiều dòng họ chung sống quây quần bên nhau trên một sườn núi.

Để khám phá nhà trình tường, du khách sẽ phải đi qua một cánh cổng gỗ trên có mái che, được dán các tờ giấy đỏ. Bước qua lối cổng hẹp này, du khách sẽ dễ dàng cảm nhận lối sống sinh hoạt, phong tục tập quán của người Mông đã lưu giữ hàng nghìn năm nay.

Nhà của người Mông dựng sát nền đất chứ không xây móng cao như nhiều dân tộc khác. Theo ông Vàng Chá Thào (60 tuổi) ở cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: “Đồng bào dân tộc Mông chúng tôi rất chú trọng việc chọn đất làm nhà.

Cúi đầu bái phục kiến trúc nhà cổ của người Mông  - Ảnh 3.

Với sự khéo léo của người Mông, bức tường hình thành rất chắc chắn.

Để làm được một ngôi nhà trình tường vững chãi, bền lâu, trước tiên, phải chọn loại đá núi bằng phẳng đem về đặt móng nhà. Móng nhà được đào sâu khoảng một mét rồi kè bằng đá, sử dụng đất trộn làm chất kết dính, sau đó kê cao hơn mặt sân khoảng hai gang tay. Sau khi chọn được đất tốt, đất lành, người ta sẽ sàng lọc đá sỏi, rễ cây, rơm rạ mới trình tường nhà”.

Công việc trình tường nhà được bà con dân tộc Mông tiến hành khá công phu với một số quy định như người lạ không được vào khu vực nhà đang trình tường, nhất là phụ nữ.

Trình tường nhà cũng lắm công phu

Khi tiến hành trình tường nhà, người Mông thường huy động vài chục thanh niên trai tráng trong làng đến giúp. Trước khi trình tường, người Mông sẽ đóng các khuôn gỗ có chiều dài 1,5m, rộng chừng nửa mét, sau đó đổ đất có độ kết dính cao vào khuôn gỗ; tiếp đó họ sẽ dùng những chiếc vồ nện chặt đất, cứ khuôn nọ nối tiếp khuôn kia cho đến khi hoàn thành.

Với sự khéo léo, điêu luyện của đôi bàn tay cùng sức mạnh của người dân tộc Mông, những bức tường phía ngoài dần hiện lên một cách chắc chắn, vững chãi, phẳng phiu, các góc tường, cửa đi, cửa sổ sắc nét. Tất cả các khâu để hoàn thiện một ngôi nhà trình tường đều được làm thủ công bằng tay mà không dùng bất cứ máy móc nào.

Sau khi trình tường xong, gia chủ sẽ chọn ngày tốt, hợp với tuổi của mình mới được vào rừng chặt hạ cây cột cái, cây đòn nóc. Trước khi chặt cây, gia chủ phải thắp ba nén hương, cắm ba tờ giấy bản vào gốc cây khấn thần rừng cho xin cây gỗ về làm nhà. Họ quan niệm rằng làm như thế thần rừng không quở mắng và nhà cửa mới yên vui, mọi người khỏe mạnh, ăn nên làm ra, gia đình hạnh phúc.

Sau khi xin được cây rừng, gia chủ sẽ tiến hành chặt cây cột cái, và cây đòn nóc, riêng cây đòn nóc khi chặt về không được đặt xuống đất mà phải đưa lên nóc nhà ngay.

Đối với hai cây cột cái ở gian giữa người Mông coi nó là cột chủ đạo, thể hiện sự ngay thẳng, cứng cáp, vững vàng của gia chủ. Cây cột cái và cây đòn nóc được chọn đều phải là những cây không bị sâu, thối, hoặc cụt ngọn.

Cúi đầu bái phục kiến trúc nhà cổ của người Mông  - Ảnh 4.

Nhà trình tường của người Mông mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông

Cửa chính ra vào của người Mông cũng phải chọn loại gỗ tốt để làm. Cửa không cài then sắt mà phải cài then gỗ. Người Mông quan niệm rằng, cài then sắt thì sẽ lạnh, lòng bụng của con người không thật.


Ngoài cửa chính còn có thêm cửa sổ và cửa phụ để không khí trong nhà trở nên thoáng mát. Các khung cửa phụ cũng được làm bằng gỗ như thân cây trúc hoặc thân cây mai già. Tất cả cửa chính và của phụ đều phải mở vào trong chứ không được hướng ra ngoài.

Những ngôi nhà trình tường ở cao nguyên đá càng trở nên bền đẹp khi nó được phủ lên bằng mái ngói âm dương. Ngói được lợp một hàng sấp một hàng ngửa. Khi lợp ngói người thợ sẽ lợp từng dãy ngói sấp rồi lại từng dãy ngói ngửa (ngửa âm ngửa dương) chồng lên nhau với một mật độ dày đặc, cho nước thoát xuống rãnh. Sự kết hợp giữa bức tường đất và mái ngói âm dương sẽ mang lại sự mát mẻ, ấm cúng, điều hòa nhiệt độ khi mùa hè đến hoặc mùa đông về.

Dù to hay nhỏ, tất cả các ngôi nhà của người Mông đều thống nhất theo một khuôn mẫu nhất định, tức là phải có ba gian hai cửa (gồm một cửa chính, một cửa phụ, tối thiểu có hai cửa sổ). Các cửa sổ có thể là 3 hoặc 4 ô cửa nhỏ, những ô của này mở ra chủ yếu để thông gió và lấy ánh sáng từ bên ngoài.

Ba gian nhà chính của người Mông được sắp xếp như sau: Gian bên trái dùng để đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ; gian bên phải dùng để đặt bếp sưởi và giường khách; gian giữa thường rộng hơn hai gian bên và là gian để bàn thờ tổ tiên, đồng thời cũng là nơi tiếp khách, ăn uống cho dòng họ, gia đình.

Trong một gia đình người Mông, phòng ngủ của vợ chồng, con cái được bố trí riêng. Người Mông thường ngủ bằng phản gỗ hoặc giát bằng tre mai đập giập.

Tập tục của người Mông rất khắt khe, nơi ngủ của con, em dâu thì bố, anh chồng không được vào và ngược lại, em dâu không được phép vào nơi ngủ của bố chồng, anh chồng. Nhà của người Mông bao giờ cũng có sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm; ngô, lúa, đậu tương khi thu hoạch về được cất lên gác.

Sàn gác còn có thể làm nơi ngủ mỗi khi nhà đông khách. Điều đặc biệt là đàn bà, con gái không được phép ngủ trên gác. Nếu cần lấy vật gì trên gác thì những người phụ nữ ở trong nhà phải đứng ở bậc thang, sau đó dùng que để khều.

Ông Hùng Đình Quý (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang), người gắn bó với các hoạt động nghiên cứu về dân tộc Mông cho biết: Dân tộc Mông ở Hà Giang có gần 200.000 người với hai nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa, chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh; sinh sống đông nhất ở 3 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và Quản Bạ. Đồng bào Mông ở đây vẫn lưu giữ lối kiến trúc độc đáo đó là những ngôi nhà trình tường. So với nhà trình tường của người Hà Nhì, Lô Lô, Tày, Dao... nhà trình tường của người Mông có một nét đặc trưng riêng đó là hàng rào đá. Không gạch vữa, xi măng, hàng rào của những ngôi nhà trình tường hoàn toàn được dựng lên từ đá núi.

Từ quan niệm sống, với môi trường khí hậu lạnh khắc nghiệt, đã ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc nhà ở của đồng bào dân tộc Mông. Nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Mông nói riêng, người Hà Giang nói chung có sự đóng góp không nhỏ của những điểm du lịch cộng đồng, đặc biệt là những ngôi nhà trình tường.

Trải qua hàng thế kỷ, người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang ngày nay vẫn không ngừng sáng tạo, cải tiến ngôi nhà truyền thống của mình cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như trong sinh hoạt, lao động sản xuất mà vẫn không quên lưu giữ những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo