Nhiều ngày qua, người dân khắp nơi đang bàn tán xôn xao về một gốc bàng đá cổ thụ khổng lồ ở Sóc Trăng được một người dân địa phương mua về chế tác tạo thành một công trình điêu khắc với nhiều pho tượng, nhiều hình thù độc đáo.
Không ít đại gia, người chơi cây cảnh khắp nơi hỏi mua gốc bàng này với giá lên đến hàng chục tỉ đồng nhưng chủ nhân không bán.
Gốc bàng đá có hình thù độc đáo Ảnh: HOÀNG VÂN
Trò chuyện với chúng tôi, ông Mai Kiên (67 tuổi, ngụ tại đường Tôn Đức Thắng, P.5, TP. Sóc Trăng), cho biết ông là người gắn bó với nghề gỗ trên 40 năm.
Năm 2014, có dịp đi ngang qua đình thần, ở ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện Long Phú, ông thấy có hai cây bàng đá rất lớn, trong đó có một cây đã chết khô, nhiều cành đã bị mục nên ghé lại xem. Hỏi thăm người trông coi đình thần thì được biết hai cây bàng này có từ mấy trăm năm trước nhưng một cây đã chết.
Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng từ việc thi công một công trình bên cạnh nên chính quyền địa phương đề nghị Ban quản lý đình thần cho đốn bỏ cây bàng này, tránh nguy hiểm cho người dân. Do cây quá lớn nên Ban quản lý đình thần thuê người dân địa phương đốn nhưng khi tới nhìn thân cây quá “khủng”, không ai dám đốn hạ.
Gốc bàng đá khổng lồ, có người hỏi mua với giá 35 tỉ đồng nhưng ông Kiên không bán Ảnh: HOÀNG VÂN
Sau đó, có một nhóm người ở nơi khác tới nhận lời đốn cây. Nhưng sau khi mới đốn được một số nhánh cây thì họ không đốn nữa, bỏ luôn tiền công cho phần đã đốn mà không nói lý do vì sao.
"Sau này tôi nghe người ta kể lại nhóm người đốn cây bàng đó đang nằm ngủ thì không biết mơ thấy cái gì mà sáng ra là họ bỏ đi luôn. Thành ra từ đó không ai nhận đốn cây nữa. Cứ thế, cây khô dần, nhiều phần bị mục", ông Kiên kể.
Nhìn thân cây bàng đang bị khô đi, ông Kiên thấy gốc cây có nhiều hình thù rất đẹp, cuốn hút nên hỏi người phụ trách đình thần giá bán bao nhiêu?. Đại diện đình thần nói 50 triệu đồng.
"Lúc đầu, tôi trả 30 triệu đồng nhưng họ không bán nên tôi về. Suốt đêm tôi trằn trọc không ngủ được cũng vì gốc cây bàng đá đó. Có một cái gì đó rất khó hiểu cứ mê hoặc mình, khiến cho tôi thấy cây bàng như đang ở bên cạnh. Sáng hôm sau, người quản lý đình thần tự tìm đến tôi và nói thêm cho đình 5 triệu nữa là 35 triệu. Tôi đồng ý mua gốc bàng với giá trên. Sau khi thỏa thuận xong, tôi thuê người, chọn thời gian phù hợp cho người và phương tiện vào đào đưa gốc cây về nhà.
Ông Kiên mướn thợ chế tác nhiều tượng từ gốc bàng đá Ảnh: HOÀNG VÂN
Phần lõi bên trong góc bàng đá khổng lồ Ảnh: HOÀNG VÂN
Theo ông Kiên, các nhà khoa học về thực vật xem xét đã đánh giá tuổi của cây bàng đá này từ 600 - 700 năm trở lên.
Một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Sóc Trăng cũng xác nhận với phóng viên Thanh Niên là gốc bàng đá này ít nhất 600 năm tuổi. Gốc bàng này rất lớn, đường kính ở phần gốc sát đất khoảng 14m, còn tính luôn bộ rễ chìa ra thì khoảng 25m.
Để đưa gốc bàng lên, ông Kiên và các nhân công phải đào sâu xuống đất và cắt gốc bàng thành hai nửa rồi sau đó thuê xe cẩu hạng nặng đưa lên xe chuyển về TP Sóc Trăng. Theo ước đoán, trọng lượng của gốc bàng này phải lên tới cả trăm tấn và chi phí đưa về tận nơi hết khoảng 700 triệu đồng.
Sau khi đưa được thân bàng này về nhà, ông Kiên cho người gia công để tạo thành một gốc cây với nhiều hình thù rất đẹp, rất lạ mắt khiến nhiều người thích thú, luôn tìm đến để xem. Để bảo quản gốc bàng, ông thuê làm một căn nhà rộng hàng trăm mét vuông với kinh phí khoảng 1 tỉ đổng để làm nơi trưng bày.
Theo ông Kiên, sau khi đưa gốc bàng về, có người đến xem và hỏi mua với giá trên 2 tỉ đồng nhưng ông không bán mà chỉ để lưu lại làm kỷ niệm về một gốc cây có một không hai ở địa phương. Sau đó, có nhiều đại gia, người chơi cây cảnh biết ông Kiên sở hữu gốc cây khủng tìm đến hỏi mua với giá hàng chục tỉ đồng nhưng không thuyết phục được ông.
Ông Kiên cho biết mới đây có một người dân ở TP HCM trực tiếp hỏi mua với giá 35 tỉ đồng nhưng ông không bán, bởi ông coi đó là một kỷ niệm đẹp, một cơ duyên hiếm có trong đời làm cây cảnh của mình.
"Tôi chỉ để lại làm vật kỷ niệm về một gốc cây cổ thụ của Sóc Trăng quê mình cho mọi người chiêm ngưỡng thôi. Hiện nay tôi đang hoàn thiện dần các chi tiết, dự kiến năm 2018 sẽ hoàn thành và mở cửa cho mọi người tham quan gốc bàng độc đáo này", ông Kiên tâm sự.
Bình luận (0)