Lăng Ba Vành (vì mộ có ba vòng tường bao quanh) nằm ở khu vực đồi Thiên An, phía Tây TP Huế.
Mọi chuyện bắt đầu khi linh mục L. Cadière, đồng thời là một nhà nghiên cứu khảo cổ, chủ bút tập san Đô Thành Hiếu Cổ của Hội Những người bạn của Huế xưa, bắt đầu nghiên cứu hơn 317 ngôi mộ cổ có tại Huế.
Một giả thiết, nhiều tranh cãi
Khi đến lăng Ba Vành, ông rất ngạc nhiên vì một ngôi mộ to lớn như vậy lại bị bỏ trong hoang phế, mộ bị đào, bia đá bị đục phá không rõ chủ nhân là ai. Ông đã gửi thư cho triều đình Huế hỏi về ngôi mộ này và được trả lời rằng đây là lăng mộ của một vị quan dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát, từng giữ chức thượng thư Hộ bộ kiêm cả Binh bộ, có tước Ý Đức hầu, tên là Lê Quang Đại.
Linh mục Cadière không tin vào câu trả lời, ông cho rằng đây là ngôi mộ của vua Quang Trung đã bị Gia Long quật lên trả thù nhưng ông không có nhiều thời gian và cơ hội để tìm những tư liệu chứng minh cho điều này. Dẫu sao triều đình Huế cũng là của Gia Long, người đã ra lệnh “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn, xóa mọi dấu tích của triều đại này. Do đó ông đành bỏ qua đề tài, mãi đến năm 1940 ông mới tiết lộ về nó cho một người mà ông tin tưởng là nhà nghiên cứu Nguyễn Thiệu Lâu, giáo sư tại Trường Quốc học Huế.
Ông Lâu đã đi tìm lăng Ba Vành lúc này đã bị cây cỏ mọc đầy để khảo cứu. Không rõ vì lý do gì mà mãi tới tận 20 năm sau ông mới viết bài công bố nhận định của ông rằng lăng Ba Vành chính là lăng mộ của Quang Trung trên tạp chí Bách Khoa số 99 năm 1961 tại Sài Gòn. Bài báo đã gây chấn động trong dư luận mặc dù không có nhiều dẫn chứng.
Có một người đã nhanh chóng phản bác lại quan điểm của ông Lâu là cụ Bửu Kế đang làm việc tại thư viện Viện ĐH Huế chỉ hai tháng sau, cũng trên chính tờ Bách Khoa. Đặc biệt là cụ Bửu Kế đã chứng minh bằng những tư liệu mà đích thân bộ Lễ đã lệnh cho phủ Thừa Thiên điều tra và trả lời cho linh mục Cadière mấy chục năm trước đó. Mặc dù sau này có thêm vài người nữa đã viết bài kết luận tương tự nhưng sau phản hồi của cụ Bửu Kế, nhiều người đã không còn chú trọng tới giả thiết lăng mộ Quang Trung ở lăng Ba Vành nữa. Thậm chí ngay cả các giả thiết khác về lăng mộ Quang Trung đã bị tiếng bom đạn át đi và người ta chú ý tới mặt báo các tin tức về người chết trong chiến tranh hay giá cả hàng hóa tăng vọt hơn là các thông tin về triều đại Tây Sơn…
Mãi đến khi đất nước thống nhất, cựu Chủ tịch MTTQ TP Huế là kỹ sư Nguyễn Hữu Đính đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu lăng Ba Vành và đến năm 1986, kỷ niệm 200 năm Quang Trung giải phóng Phú Xuân, ông công bố tài liệu khẳng định lăng Ba Vành chính là lăng mộ Quang Trung. Đáng tiếc là các tư liệu công phu này ông gửi cơ quan hữu quan đều không có câu trả lời.
Ông Đính mất năm 1995, không theo đuổi được cuộc khảo cứu đến cùng nhưng đã có một người khác là ông Trần Viết Điền. Sau khi tiếp xúc với ông Đính và được truyền ngọn lửa đam mê, ông Điền đã dành 30 năm sau đó để theo đuổi ý tưởng này. Dù giống như ông Nguyễn Đắc Xuân, ông Điền cũng chỉ là một nhà nghiên cứu nghiệp dư, xuất thân là một giáo viên vật lý.
Lăng Ba vành với ngôi mộ hình mu rùa bị sạt lở nghi rằng để trấn yểm. Ảnh: TƯ LIỆU
Mộ quan không thể hơn lăng chúa
Từ linh mục Cadière cho đến ông Nguyễn Thiệu Lâu, Nguyễn Hữu Đính, Trần Viết Điền… đều phải sững sờ trước lăng Ba Vành khi lần đầu tiên nhìn thấy bởi lăng có vị trí, hình dáng và quy mô rất kỳ lạ, khác hẳn những ngôi mộ khác. Lăng có quy mô còn lớn hơn cả lăng mộ của các chúa nhà Nguyễn, thậm chí gấp 3-4 lần, đây là điều phi lý vì quan lại không được xây bằng lăng mộ vua chúa chứ đừng nói là hơn.
Thường ở lăng vua hay mẹ vua mới có tân nguyệt trì (là hồ bán nguyệt) trước lăng cùng với bửu thành (vườn lăng) vì bửu thành tượng trưng cho chữ nhật (日), tân nguyệt trì tượng trưng cho chữ nguyệt (月), kết hợp lại là chữ minh (明), tượng trưng cho các bậc minh quân. Ngay cả lăng mộ cha của vua Gia Long cũng không có tân nguyệt trì vì không làm vua, vậy mà lăng Ba Vành lại có tân nguyệt trì phía trước.
Lăng mộ vua có cổng tam quan trước bửu thành, lăng mộ quan lại chỉ một cửa. Ông Điền phát quang cây cối trước cổng lăng Ba Vành rộng tới 6 m và phát hiện có dấu vết hai trụ cổng nên ông cho rằng lăng có cổng tam quan. Ông cũng nghiên cứu nền nhà bia đổ nát ở lăng Ba Vành và cho rằng nó có hình chữ thập, tương tự với nhà bia của các vị vua khác.
Mộ có hình mu rùa. Rùa là con vật trong tứ linh nên chỉ có các bậc tôn quý như các đại quan có tước công, hầu hoặc các vương, đế mới có mộ mu rùa. Linh mục Cadière ghi lại rằng trong 317 mộ cổ ở Huế ông nghiên cứu chỉ có lăng Ba Vành có mộ mu rùa và có quy mô rất lớn như vậy, lớn hơn nhiều lần các mộ mu rùa khác tìm thấy ở Quảng Trị sau này.
Lăng mộ vua phải có nhà hộ lăng, giếng nước để sinh hoạt cho những người trông giữ lăng. Ông Điền đã vào Đan viện Thiên An và phát hiện ở vườn cam của đan viện có rất nhiều khối đá Thanh lấy từ công trình cổ tại chỗ xây dựng đan viện năm 1940. Trong đan viện còn hai giếng nước, một giếng cổ có gạch bìa giống ở lăng Ba Vành, từ đó ông Điền cho rằng vườn cam của Đan viện Thiên An chính là nhà hộ lăng của lăng Ba Vành.
Ông Trần Viết Điền cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu để kết luận chín con rồng trong lăng Ba Vành là rồng thời Tây Sơn. Loại gạch trong lăng giống với nhiều gạch khác thời Tây Sơn ở Viên Khâu, Khải Thánh Từ, miếu Ông Mọi… Từ đó ông kết luận: Lăng Ba Vành là công trình thời Tây Sơn.
Những dấu vết trừng phạt, trấn yểm
Ông Trần Viết Điền cho rằng lăng Ba Vành bị quật phá nặng nề nhưng lại rất bài bản theo pháp luật, chứng tỏ bị trừng trị bởi nhà Nguyễn chứ không phải kiểu phá phách của người thường vô ý thức hay trộm cắp. Cổng tam quan bị giật sập; các biểu trưng lăng bị xóa, bia thờ bị tẩy xóa hết, không còn đọc được; đầu, chân, tai, hông bia đã bị đục bỏ, về sau kẻ gian khắc thêm bốn chữ “sơn nhạc chung linh” để đánh lừa. Bia ghi năm phụng lập cũng bị đục xóa, bia bị bạt và trên mặt cắt, người xưa đã đục chìm lưỡi đao. Bạt góc và lưỡi đao là biểu tượng trảm quyết, góc trái phía trên có chữ “la” với nghĩa là bắt được và dòng bên phải là bốn chữ “Nhâm Tuất mạnh đông” tức tháng 11 năm Nhâm Tuất (1802) là năm tháng trị tội, trùng với thời điểm vua Gia Long làm lễ Hiến Phù nhằm tận pháp trừng trị nhà Tây Sơn. Trên nấm mộ có một sợi xích bằng vôi mật vắt ngang đến năm 1961 vẫn còn nhưng nay chỉ còn dấu vết.
Khi quật mồ Quang Trung, ngoài việc trả thù còn phải trấn yểm để huyệt mộ tuyệt hết vượng khí đế vương. Ông Điền chỉ ra các dấu vết mà ông cho là trấn yểm còn lại như chữ “la” và khắc chìm lưỡi đao. Mộ bị vạt một mảng lớn như bị chém bên tả, theo ông không phải để lấy quan tài ra vì hố đào nhỏ và cạn, mà để trấn yểm. Ngoài ra còn một số dấu tích khác như các vết cắt trên đá có biểu trưng long mạch hay cách vạch song song tượng trưng quẻ Càn trên một tảng đá trước lăng…
♦ ♦ ♦
Dù dành ra rất nhiều tâm huyết và tiền bạc trong mấy chục năm nhưng các lập luận của ông Điền bị rất nhiều chuyên gia phản bác. Ông Điền đã tha thiết mong Nhà nước khai quật khảo cổ học lăng Ba Vành để giải tỏa những uẩn khúc về lăng mộ và sẵn sàng chấp nhận mọi kết quả, kể cả phủ nhận hết công trình nghiên cứu của ông nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.
Tôi đã trao đổi với PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế, một chuyên gia về triều đại Tây Sơn, về câu chuyện ông Trần Viết Điền với lăng Ba Vành. Gần 30 năm trước, ông Đỗ Bang là người phản biện rất gay gắt với ông Điền nhưng sau này ông có thái độ cởi mở hơn, đánh giá cao tâm huyết và sự kiên trì của ông Điền. Ông Đỗ Bang cho rằng đề xuất khai quật khảo cổ học của ông Trần Viết Điền bị rất nhiều nhà nghiên cứu phản đối vì cho rằng công trình nghiên cứu của ông chưa đủ tính xác tín về gia phả, độ tin cậy… Tuy nhiên, cá nhân ông vẫn ủng hộ việc khai quật vì ông cho rằng điều này không chỉ đem lại lời giải cụ thể về việc lăng Ba Vành có phải lăng mộ vua Quang Trung hay không, mà từ đó còn có thể xác định được chủ nhân thực sự của nó, ngoài ra việc khai quật một ngôi mộ táng từ thế kỷ 18 sẽ đem lại nhiều giá trị khác nữa về lịch sử và khảo cổ.
Mong rằng sẽ sớm có câu trả lời từ lăng Ba Vành.
Bình luận (0)