Phượng Hoàng Trung Đô là một địa danh tại xã Yên Trường, huyện Châu Lộc, TP Vinh hiện nay.
Thoạt nhìn bề ngoài, vùng đất này cũng hao hao nhiều làng quê khác ở Nghệ An nói riêng hay miền Bắc nói chung, không có gì đặc biệt nếu không có những vấn đề lịch sử liên quan đến vua Quang Trung.
TP Vinh đã hai lần tổ chức hội thảo khoa học, vào tháng 10-1997 thống nhất chọn ngày 10-10-1788 là ngày vua Quang Trung ra chỉ dụ xây Phượng Hoàng Trung Đô làm ngày kỷ niệm TP. Lần thứ hai vào tháng 5-2011, tiếp tục hội thảo đề xuất phục dựng di tích lịch sử Phượng Hoàng Trung Đô và tìm lăng mộ vua Quang Trung tại Nghệ An. Vì sao nơi đây được cho là nơi đặt lăng mộ của vua Quang Trung?
Vùng đất địa linh nhân kiệt
Núi Dũng Quyết tại Yên Trường được xem là một vùng đất địa linh nhân kiệt. Dải Trường Sơn khi đến Thanh Chương chia làm hai phần, nhánh trái chạy xuống Đại Huệ, xuống Thai Phong rồi đến núi Dũng Quyết thì mạch đất dừng lại tạo nên thế đất long ly quy phụng. Mỏm đá phía Tây gọi là mũi Rồng vì có dáng long thủ. Nhánh phía Đông Nam có dáng loan gọi là Phượng Hoàng. Dải phía Nam gọi là Kỳ Lân hay núi Con Mèo, còn vùng đất phía Đông Bắc gọi cồn Rùa. Từ núi Dũng Quyết nhìn về chính Ngọ có dãy Hồng Lĩnh là tả thanh long, dãy Lam Thành là hữu bạch hổ… đây là nơi đắc địa vì có đủ âm dương phù trợ, quần phong tụ khí.
Những vùng đất này ngày xưa thường bị các vị quan kiêm thầy địa lý phương Bắc như Cao Biền từng tìm cách trấn yểm. Khi Lê Lợi bắt được thượng thư Hoàng Phúc của nhà Minh, khám trong hành trang có bản đồ cả vùng Nghệ Tĩnh, chính Hoàng Phúc cũng đã dựng cờ yểm ở núi Hồng Sơn cách đó 10 km để trấn yểm cả vùng. Vì Hoàng Phúc cho rằng nếu không trấn yểm, nơi đây sau này sẽ sinh ra nhiều nhân tài chống lại phương Bắc.
Nghệ An vốn là đất tổ của nhà Tây Sơn. Ông tổ bốn đời của vua Quang Trung là Hồ Thế Viêm sống tại Quỳnh Đôi, sau này dời vào Hưng Nguyên, đến khi chúa Nguyễn vào Nam đã thúc ép dân trong vùng di cư theo, ông Hồ Thế Viêm đã đưa gia đình vào Gia Lai, sau đó xuống ấp Tây Sơn ở Quy Nhơn để lập nghiệp. Đến đời ông Hồ Phi Phúc lấy vợ là bà Nguyễn Thị Đồng, sinh ra ba người con trai, lúc này ông đổi qua họ Nguyễn, cho nên vua Quang Trung có tên là Nguyễn Huệ nhưng tên thật là Hồ Thơm.
Năm 1776 khi vua Quang Trung đưa quân ra Bắc diệt nhà Trịnh để phù Lê, ông không đưa quân theo đường chính đạo mà theo đường gián đạo ra Bắc. Khi đi qua Nghệ An, vua đã cho dừng chân để tuyển mộ thêm quân lính và vùng đất Yên Trường trên đường hành quân đã được chính nhà vua quan sát, đánh giá và hết sức chú ý.
Thành Phượng Hoàng Trung Đô trên sơ đồ nhìn từ trên cao.
Kinh đô sớm nở tối tàn
Hệt như Lưu Bị cầu Khổng Minh, vua Quang Trung cũng ba lần gặp và mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ra giúp việc nước. Một trong những việc đầu tiên mà Nguyễn Thiếp được nhờ là khảo sát vùng Nghệ An để xây dựng một kinh đô mới để ông dời đô về, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Vốn là người am hiểu cả Tứ thư Ngũ kinh, hiểu hết thế đất nhưng Nguyễn Thiếp lại không tán thành việc xây kinh đô, có thể vì ông sợ việc xây dựng sẽ khiến dân chúng trong vùng điêu đứng khổ sở nên ông từ chối, nại lý do thế đất chật hẹp, bờ sông hay bị sạt lở, không thuận tiện làm kinh đô. Vua Quang Trung đã bày tỏ sự dứt khoát qua tờ chiếu vào tháng 9-1788: “Nếu bảo rằng những chỗ như Phượng Hoàng, Khánh Sơn không được đô hội thì sao chẳng tìm chỗ tốt khác cho thỏa ý quả cung trông mong?… Nhớ buổi hồi loan kỳ trước lúc qua Hoành Sơn, quả cung đã từng mở xem địa đồ, thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây kinh đô mới. Thật là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy”.
Cuối cùng Nguyễn Thiếp đành chọn vùng đất ở chân núi Dũng Quyết, dân gian gọi là Rú Mèo. Nhà Tây Sơn xây dựng được một số công trình như đắp thành đất xung quanh, xây lầu Rồng ba tầng, điện Thái Hòa và hai dãy hành lang… Công việc đang dang dở thì vua Quang Trung qua đời. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, trước khi mất, ông đã căn dặn con trai Quang Toản: “Nghệ An là đất của cha mẹ ta, đất ấy là nơi hiểm yếu có thể tin cậy được. Ta đắp thành dày để làm Trung Đô. Nếu có biến cố còn có thể giữ được…”.
Ông gọi Trần Quang Diệu đang trấn thủ Nghệ An vào căn dặn: “Những việc còn lại ở Vĩnh Đô (Phượng Hoàng Trung Đô), các ngươi phải lo làm xong sớm. Nếu để chậm quân Gia Định kéo ra sẽ không có đất mà chôn”.
Sau khi vua Quang Trung mất, nhà Tây Sơn lại không màng việc xây tiếp Phượng Hoàng Trung Đô. Thành bị bỏ dở việc xây dựng, không những thế chỉ vài tháng sau, khi cần gỗ làm thuyền chiến chống quân Nguyễn Ánh, Trần Quang Diệu đã ra lệnh gỡ cung điện lấy gỗ đóng thuyền. Sau này lầu Rồng ba tầng tự nhiên đổ sập, khiến nhiều người cho rằng điềm báo nhà Tây Sơn sắp bị diệt.
Khi nhà Nguyễn diệt nhà Tây Sơn thì Phượng Hoàng Trung Đô đã chỉ còn là phế tích.
Đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết hiện nay.
Lăng mộ Quang Trung ở đâu tại Phượng Hoàng Trung Đô?
Xét vào các dấu tích còn lại, Phượng Hoàng Trung Đô rất nhỏ, không hề giống quy mô một kinh đô. Thành có hình tam giác, diện tích chỉ khoảng vài chục hecta với thành Nam dài 300 m, thành Tây dài 450 m. Những nền đất để xây thành quách công trình cũng chỉ khoảng ngang dọc 20 m. Nếu nói khu vực này là một pháo đài để quan sát vùng đất phía dưới thì còn hợp lý.
Giả thiết đặt ra là nhà Tây Sơn bằng việc huy động tập trung gỗ đá và nhân công xây dựng kinh thành, qua đó ngụy trang cho việc xây lăng mộ bí mật đặt đâu đó ở đất này để chuẩn bị trước cho chuyện hậu sự. Những lời căn dặn trước khi mất cho thấy Quang Trung đã nói nhiều về Phượng Hoàng Trung Đô phải chăng là lời nhắc về nơi mai táng cuối cùng, vì các vua gốc người Nghệ An chưa một ai chôn phía Nam đèo Ngang cả. Phải chăng quãng thời gian hai tháng giấu tin tức vua Quang Trung băng hà là khoảng thời gian dùng thuyền đưa thi hài ra Nghệ An, sau đó chuyển qua đường bộ đưa lên lăng mộ bí mật để mai táng xong xuôi rồi mới phát tang?
Nếu đặt giả thiết lăng mộ được đặt ở Phượng Hoàng Trung Đô thì nó sẽ được đặt ở khu vực nào?
Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật dựa trên các nghiên cứu về phong thủy của người xưa đã lên núi Dũng Quyết quan sát địa hình, ông cho biết ban đầu ông dự đoán lăng mộ nằm ở phía Đông núi Dũng Quyết, hướng đường hầm Nhà máy nhiệt điện Vinh. Sau khi nghiên cứu kỹ càng địa thế và các quy tắc phong thủy, ông cho rằng mộ có thể nằm phía Tây núi, ngay trong khuôn viên Phượng Hoàng Trung Đô, chính ở phía dưới nơi dự định ngự triều.
Để xác minh cụ thể, Viện Khảo cổ đã giới thiệu cho UBND TP Vinh mời ĐH Quốc gia Hà Nội mang một máy dò địa vật lý từng tham gia công tác khai quật tại hoàng thành Thăng Long vào khảo sát. Ông Nguyễn Hữu Bản, nguyên Bí thư Thành ủy TP Vinh, kể lại: “Khi các chuyên gia mang máy lên sân dò tìm, máy phát hiện một khối công trình nào đó nằm dưới độ sâu khoảng 5-6 m phía cửa hậu khu di tích”.
Đến nay đã hơn sáu năm, không rõ các nghiên cứu kết luận về việc thăm dò hôm đó và có kế hoạch khai quật xác minh hay không. Một số thông tin cho rằng nhiều người đã góp ý tạm thời không nên khai quật địa điểm nghi ngờ có lăng mộ vua Quang Trung vội, nếu ngài muốn yên nghỉ thì chớ nên làm ảnh hưởng đến giấc ngủ ngàn thu đó.
Không biết thực hư thế nào nhưng một khi chưa có một bằng chứng khảo cổ đáng tin cậy thì Phượng Hoàng Trung Đô vẫn chỉ là một giả thuyết như nhiều giả thuyết khác về nơi an nghỉ của vua Quang Trung.
Bình luận (0)