Chắc cũng không cần phải tốn giấy mực để tóm lược lại về những chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, nhà quân sự đại tài, nhà ngoại giao và nhà cải cách của triều Tây Sơn. Dấu lặng trong cuộc đời ông là mất khi còn trẻ (mới 39 tuổi), kéo theo sự sụp đổ của triều Tây Sơn.
Trả thù
Gần 10 năm sau khi ông chết, nhà Nguyễn cho quật mộ ông để trả thù. Khi còn học phổ thông, học sinh đều được học về sự trả thù tàn khốc này bởi chính trong Quốc sử quán triều Nguyễn còn ghi rõ: “Tháng 11 năm Canh Thân (tháng 12-1801), phá hủy mộ Tây Sơn Nguyễn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ. Con trai, con gái, họ hàng và tướng hiệu, 31 người, đều bị lăng trì cắt nát thây”.
Ngày Giáp Tuất tháng 11 năm Nhâm Tuất (ngày 6-12-1802), làm lễ hiến phù (lễ dâng tù binh): Đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vứt đi, còn xương đầu lâu của Nhạc và Huệ đều giam ở Nhà đồ ngoại.
Như vậy, theo sử sách, thi hài của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc và vua Quang Toản đều không còn, chỉ có xương sọ được đặt trong ba cái vò đậy nắp kỹ, niêm khằng, quấn xích sắt, chú bùa để giam vĩnh viễn trong Nhà đồ ngoại (sau đổi thành Vũ khố), mỗi tháng đều có người đến kiểm tra. Chỉ cho đến năm 1885, khi Pháp đánh vào kinh thành Huế, vua Hàm Nghi phải xa giá, trong lúc hỗn loạn có người đã đem ba chiếc vò đó đi đâu mất không rõ.
Có nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học lại không tin vào chuyện đó. Việc hành hình vua Quang Toản và gia quyến cùng các tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng… cũng như việc quật mồ và hành hình với những hài cốt là có thật vì diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có những giáo sĩ người Pháp và họ sau này đã kể lại trong các tập sách về An Nam. Chỉ là người ta tin rằng hài cốt của vua Quang Trung bị quật đó là người giả từ mộ giả, không phải mộ thật.
Không dễ dàng để bị tìm thấy mộ và quật mộ
Vua Quang Trung là người rất quan trọng chuyện mồ mả. Theo Đại Nam thực lục, sau khi nhiều lần đưa quân vào Nam đánh mà vẫn không diệt được Nguyễn Ánh, người ta đều nói do các lăng liệt thánh (tổ tiên các chúa Nguyễn) khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dấy. Vua Quang Trung cho người đào toàn bộ lăng tám mộ đời nhà Nguyễn, từ chúa Nguyễn Hoàng cho đến Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ném xuống vực, cộng thêm hài cốt cha Nguyễn Ánh là Nguyễn Phúc Luân bị vứt xuống sông. Đấy là lý do sau này khi lên ngôi, Nguyễn Ánh cho quật mồ nhà Tây Sơn trả thù và nói trong lễ hiến phù: “Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù…”.
Ngôi mộ giả của vua Quang Trung ở Linh Đường. Ảnh: Tư liệu
Nếu những điều ghi trong Đại Nam thực lục đúng thật, việc vua Quang Trung cho đào mộ tổ tông Nguyễn Ánh xuất phát từ việc nhằm ngăn chặn nghiệp đế của họ Nguyễn, ắt ông cũng biết kẻ thù sau này cũng sẽ quật mộ ông sau khi chết vừa để trả thù, vừa tìm cách chặn mạch đế vương của nhà Tây Sơn. Thế nên mộ phần vừa phải chọn chỗ đất tốt, có long mạch, vừa phải giấu không cho kẻ thù biết.
Bản thân vua Quang Trung là một người cơ trí và mưu lược, thường xuyên dùng kế nghi binh và đánh lừa kẻ địch, có thể thấy rất nhiều mưu lược trong thuật dùng binh và ngoại giao của ông như:
- Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc dùng mẹo trá hàng, cho người nhốt Nguyễn Nhạc vào cũi, cho quân lính áp giải đến thành Quy Nhơn vờ bắt được chủ tướng xin hàng. Quan giữ thành tưởng thật cho vào, nửa đêm quân lính mở cũi cho Nguyễn Nhạc, trong đánh ra ngoài đánh vào, chiếm được thành.
- Để chiếm thành Phú Xuân, cho những võ sĩ giỏi giả làm thầy bói đột nhập vào thành, nửa đêm phá cổng, chiếm thành Phú Xuân chỉ trong một đêm trong khi nhà Trịnh đánh nhà Nguyễn gần 100 năm không chiếm được.
- Khi được vua Càn Long mời sang chúc thọ, vua Quang Trung đã cho một người cháu có ngoại hình giống ông là Phạm Công Trị đóng giả sang chầu, khiến nhà Thanh tốn rất nhiều tiền bạc và công sức đón tiếp.
Một người nhiều mưu lược như vậy không lý gì để cho kẻ thù tìm ra lăng mộ của mình dễ dàng.
Ngôi mộ giả đầu tiên
Vua chúa ngày xưa bao giờ cũng có những mộ giả để đánh lừa kẻ thù hay kẻ trộm, như Tào Tháo làm tới 72 mộ giả, huống chi vua Quang Trung có rất nhiều kẻ thù lúc đó. Ngay khi vua mất, nhà Tây Sơn đã lập ngôi mộ giả đầu tiên tại Linh Đường (nay thuộc bán đảo Linh Đàm, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Đây là ngôi mộ để đánh lừa nhà Thanh, nhà Tây Sơn đã cho Ngô Thì Nhậm sang báo tang và xin cầu phong cho vua Cảnh Thịnh, đồng thời trong biểu nói dối rằng khi vua Quang Trung mất có dặn lại rằng phải đem chôn ở Tây Hồ (gần Bắc Thành) để tỏ thực tâm quyến luyến trông về thiên triều. Vua nhà Thanh xem biểu, tưởng là thật khen là trung, đặt tên thụy cho là Trung Thuần, gửi 300 lạng bạc lo việc tang, sai quan án sát Quảng Tây là Thành Lâm sang tế và phong cho Quang Toản làm An Nam quốc vương. Vua Thanh còn tự sáng tác một bài thơ gửi sang viếng, trong bài văn tế có câu rằng:
“Chầu ngô Nam cực/ Lòng trung nghĩa hết đạo thờ vua/ Chôn đất Tây Hồ”.
Đến năm 1989, do ngôi mộ bị bọn trộm đào phá nhưng không được, Viện Khảo cổ học đã giao cho TS Nguyễn Mạnh Cường xuống chủ trì khai quật mộ. Theo kết quả nghiên cứu, đây có thể là mộ của bà Nguyễn Thị Hoa Dung, vợ chúa Trịnh Doanh, mẹ chúa Trịnh Sâm, do bà Hoa Dung mất năm 1775, trước vua Quang Trung 17 năm, mộ đã được xây bằng đá rất đẹp và kiên cố nên nhà Tây Sơn đã sử dụng ngôi mộ này giả làm mộ vua Quang Trung để đánh lừa nhà Thanh. Như vậy, ngôi mộ giả đầu tiên đã được nhà Tây Sơn chủ tâm đánh lừa nhà Thanh, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt.
Ngôi mộ ở Phú Xuân cũng là mộ giả?
Đại Nam liệt truyện ghi lại ngắn ngủi rằng lăng mộ của vua Quang Trung ở phía Nam của sông Hương. Đây chính là nơi mà quan quân nhà Nguyễn đã quật mồ trả thù. Thông thường khi vua qua đời, lăng mộ sẽ được chôn gần với kinh đô nhưng vẫn có thể đây là mộ giả.
Sách Tây Sơn thuật lược có viết: “Thường ngày Nguyễn Huệ hay sợ Nguyễn Ánh phục thù, nên lúc đau nguy cấp, Nguyễn Huệ nói với kẻ bầy tôi: Hắn sẽ phục quốc được và có triều thần thưa rằng, nếu hắn ra thì bọn hạ thần xin đánh. Nguyễn Huệ nói: Ngươi chớ cho lời ta nói láo, nếu hôm nay ta chết, thì ngày mai hắn ắt ra, nếu mai ta chết thì ngày sau hắn ắt ra. Ngươi còn sống ngươi xem. Nói xong Huệ liền mất”. Liệu một người như vua Quang Trung, khi đã đoán biết trước khi mình chết đi Nguyễn Ánh sẽ có cơ hội phục hận được, nhà vua có thể để mộ mình ở lại Phú Xuân công khai để sau này kẻ thù quật mộ hay không?
Một chi tiết đáng chú ý là ngay sau khi vua Quang Trung mất, triều đình Tây Sơn đã giữ kín cái chết của ông, thành Phú Xuân bị cấm nội bất xuất, ngoại bất nhập, sau hai tháng mới phát tang cho dân chúng để tang và cho sứ bộ sang Trung Quốc báo tin cùng cầu phong (vì vậy ngày mất cũng được báo chậm hơn hai tháng). Thời gian chậm trễ này có thể do những nguyên nhân sau:
Việc vua Quang Trung mất đột ngột có thể khiến kẻ thù có ý định đưa quân gây chiến, do đó các đại thần phải bàn bạc việc định liệu các phương án để đối phó và chuẩn bị binh lực sẵn sàng.
Thông thường khi vua mất sẽ được chôn cất ở lăng tẩm đã xây sẵn từ trước, trong trường hợp mất đột ngột khi còn trẻ, chưa xây trước lăng sẽ được chôn tạm ở vị trí chọn rồi xây lăng sau. Hai tháng này có thể là khoảng thời gian để xây tạm một lăng mộ đơn giản ở nơi bí mật nào đó và di chuyển thi hài vua Quang Trung đến. Sau khi đã mai táng xong xuôi, lúc đó mới phát tang.
Nếu theo giả thuyết thứ hai, lăng mộ thật của vua Quang Trung phải cách Phú Xuân khá xa. Còn lăng mộ ở Phú Xuân chỉ là lăng mộ giả để đánh lừa kẻ thù. Người nằm trong lăng mộ ở Phú Xuân có thể chính là Phạm Công Trị, người đã đóng giả vua Quang Trung sang chầu nhà Thanh hai năm trước đó. Phạm Công Trị đã được hưởng phúc như một nhà vua thì cũng phải cùng chết theo vua để tiếp tục đóng giả Quang Trung sau khi từ giã cõi đời. Sự đời có thể nghiệt ngã cũng để phụng sự cho nhu cầu của các bậc vương giả ngày xưa: Được an nghỉ nơi suối vàng, không sợ thân xác bị người sau phá hủy.
Nếu vua Quang Trung không được chôn ở Phú Xuân thì lăng mộ thật của nhà vua nằm ở đâu?
Bình luận (0)