Từ điện thoại di động cũ cho đến tủ lạnh hỏng, lượng rác thải điện tử toàn cầu đã lên mức cao kỷ lục và đang tăng nhanh hơn tốc độ tái chế 5 lần, gây ra một loạt vấn đề về sức khỏe, môi trường và khí hậu.
Theo báo cáo của Cơ quan Giám sát Chất thải Điện tử Toàn cầu thuộc Liên Hiệp Quốc hôm 20-3, thế giới đã thải 62 triệu tấn rác điện tử vào năm 2022. Số rác thải này có thể lấp đầy hơn 1,5 triệu xe tải 40 tấn.
Theo đài CNN, rác thải điện tử gồm những sản phẩm bị vứt bỏ có phích cắm hoặc pin, thường chứa các chất độc hại và nguy hiểm, như thủy ngân và chì. Theo báo cáo, lượng rác thải điện tử toàn cầu năm 2022 đã tăng 82% so với năm 2010 và đang trên đà tăng thêm 32%, lên 82 triệu tấn vào năm 2030.
Trong khi đó, công suất tái chế lại không theo kịp đà tăng này. Chẳng hạn, trong tổng số sản phẩm điện tử bị bỏ đi trong năm 2022, chỉ khoảng 22,3% được thu gom và tái chế.
Hầu hết rác thải điện tử đều được đưa đến bãi chôn lấp hoặc được xử lý bởi hệ thống tái chế không chính thức, đe dọa gây ô nhiễm và tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Bà Vanessa Gray, chuyên gia về rác thải điện tử tại Liên minh Viễn thông Quốc tế và là tác giả báo cáo, nhận định với đài CNN rằng trong bối cảnh khoảng cách giữa rác thải điện tử và tái chế tiếp tục nới rộng, tỉ lệ tái chế thực sự có thể giảm trong vài năm tới. Báo cáo dự đoán tỉ lệ thu gom và tái chế sẽ giảm xuống 20% vào năm 2030.
Theo ông Jim Puckett, nhà sáng lập và giám đốc điều hành tổ chức giám sát rác thải điện tử Mạng lưới hành động Basel (Mỹ), kết quả báo cáo cho thấy nhiều nhà sản xuất thiếu trách nhiệm với sản phẩm của mình khi chúng hết vòng đời sử dụng.
Ông Puckett cho rằng nhà sản xuất cần có kế hoạch rõ ràng để loại bỏ, thu gom, tái chế những thành phần độc hại và nguy hiểm trong sản phẩm của họ.
Không chỉ là vấn đề môi trường, rác thải điện tử còn tác động đến khí hậu. Việc sản xuất thiết bị điện tử đòi hỏi nguyên liệu thô, bao gồm kim loại đất hiếm, được phân tách và xử lý theo quy trình tốn nhiều năng lượng, chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch.
Khi nhu cầu tăng lên và người tiêu dùng được khuyến kích thay đổi thiết bị thường xuyên hơn, tác động của rác thải điện tử đến khí hậu cũng ngày một lớn. Do đó, theo báo cáo, việc quản lý và xử lý rác thải điện tử đúng cách sẽ giúp giảm ô nhiễm carbon toàn cầu.
Ông Kees Baldé, tác giả chính của báo cáo và là chuyên gia tại Viện Đào tạo - Nghiên cứu Liên Hiệp Quốc, nhận định càng tái chế nhiều kim loại thì càng ít phải khai thác chúng.
Theo báo cáo, việc tái chế kim loại từ rác thải điện tử, thay vì khai thác nguyên liệu thô mới, đã tránh tạo khoảng 52 triệu tấn khí thải khiến trái đất nóng lên vào năm 2022. Hơn nữa, hoạt động tái chế còn mang lại lợi ích kinh tế. Cụ thể, rác thải điện tử bỏ đi năm 2022 có chứa lượng kim loại trị giá khoảng 91 tỉ USD, trong đó có số vàng trị giá 15 tỉ USD.
Dù nỗi lo về rác thải điện tử đang tăng trên thế giới, chỉ 81 quốc gia có chính sách về vấn đề này. Ngay cả khi có luật, việc thực thi cũng là một thách thức không nhỏ.
Vì thế, theo ông Baldé, để giải quyết khủng hoảng, các nước giàu trước hết cần chấm dứt đưa rác thải điện tử đến các quốc gia không có khả năng xử lý. Ngoài ra, báo cáo còn kêu gọi các nước nhanh chóng đầu tư nhiều hơn vào phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy hơn nữa việc sửa chữa và tái sử dụng, ngăn chặn vận chuyển rác thải điện tử bất hợp pháp…
Bình luận (0)