xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiểm họa khó lường

PHẠM HỒ

Cách đây khoảng 10 ngày, Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội) tiếp nhận cấp cứu 3 người bị trọng thương do pháo tự chế bất ngờ phát nổ.

Cùng thời gian, 2 học sinh tại tỉnh Lâm Đồng cũng nguy kịch vì đốt pháo tự chế. Thậm chí vào tháng trước, vụ chế tạo pháo gây nổ còn làm chết 2 người, bị thương 1 người ở tỉnh Ninh Bình…

Thời gian gần đây, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần, hàng loạt vụ nổ pháo do tự chế hoặc buôn bán, vận chuyển trái phép liên tiếp xảy ra, gây thương vong nghiêm trọng. Thực trạng buôn bán, vận chuyển, chế tạo và đốt pháo đã đến mức đáng báo động. Những hậu quả nhãn tiền nêu trên là minh chứng thương tâm về hiểm họa khó lường do tình trạng sử dụng pháo trái phép gây ra.

Nguồn gốc của tục đốt pháo vốn có từ xa xưa trên thế giới, mục đích là nhằm xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo. Lâu dần, ý nghĩa của tục đốt pháo được mở rộng thêm là chào mừng điều mới mẻ, cầu mong sự may mắn, biểu đạt tâm trạng hân hoan... Tập tục là thế nhưng những hậu quả mà nó mang lại không hề nhỏ, thậm chí từng có khu vực bị thiêu rụi vì đốt pháo, nhất là thường xuyên xảy ra thương vong.

Tại nước ta, vào tháng 8-1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 406/CT-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Ngoài lý do an ninh, mục đích của chỉ thị này chủ yếu là nhằm ngăn chặn, chấm dứt những hậu quả quá lớn gây ra cho xã hội và giảm chi phí không đáng có của người dân từ việc đốt pháo. Thời điểm đó, mỗi năm, nước ta có hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương do pháo nổ.

Gần 30 năm trôi qua, tác dụng của Chỉ thị 406/CT-TTg đã quá rõ ràng và hầu hết người dân đều tuân thủ quy định. Bên cạnh đó, cần phải ghi nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc duy trì sự quản lý chặt chẽ đối với mặt hàng pháo nổ. Các cơ quan chức năng cũng chỉ cho phép một số đơn vị, tổ chức được sản xuất - kinh doanh pháo hoa với kỹ thuật an toàn, hạn chế thấp nhất rủi ro để phục vụ nhu cầu của người dân.

Thế nhưng, sự hấp dẫn của tiếng pháo nổ, sức hút của lợi nhuận kiếm được từ mặt hàng này đã lôi cuốn nhiều người bước qua ranh giới. Không ít em nhỏ đã học theo cách làm pháo tự chế đầy nguy hiểm trên internet. Nhiều người dân đã bất chấp lệnh cấm, tổ chức chế tạo hoặc vận chuyển, buôn bán pháo lậu…

Những người muốn đốt pháo thường biện minh rằng đây là "quyền cá nhân", rằng khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển nên không lo về vấn đề an toàn, rằng kinh tế của người dân ngày càng khấm khá nên chi phí bỏ ra cho việc đốt pháo cũng không đáng là bao… 

Thế nhưng, như đã nêu trên, việc buôn bán, vận chuyển, chế tạo và đốt pháo luôn tiềm ẩn hiểm họa khó lường đối với sức khỏe, tính mạng con người. Vì vậy, nhất thiết mọi người cần phải tiếp tục tuân thủ quy định theo Chỉ thị 406. Suy cho cùng, tuân thủ những quy định này chính là mang lại lợi ích cho người dân.

Lén lút vượt rào, nuôi dưỡng một thú vui trái phép thì cần phải bị xử lý nghiêm. Bởi lẽ, không điều gì có thể đánh đổi được với tính mạng và sự an toàn của con người. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo