Chiều 26-6, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM có buổi khảo sát về rà soát, lập danh sách cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước đối với các nhóm trẻ em, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Cơ sở Bảo trợ Xã hội Thảo Đàn (quận 3, TP HCM). Tham gia đoàn có đại diện Công an TP HCM và nhiều đơn vị liên quan.
Trưởng thành vẫn thiếu giấy tờ
Bà Lê Thị Ngân, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ Xã hội Thảo Đàn, thông tin cơ sở được thành lập năm 1992 và đã cưu mang hàng ngàn trẻ em. Đến năm 2013, cơ sở ngưng nuôi dưỡng trẻ và bắt đầu công tác bảo trợ, giúp đỡ trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi. Vừa qua, cơ sở đã lập danh sách 27 trẻ từ 6 đến 18 tuổi không có giấy tờ tùy thân. Cá biệt, một số em đã trưởng thành nhưng không có giấy tờ tùy thân nên trở lại cơ sở nhờ trợ giúp.
Cụ thể, N.T.O. (SN 1988) sinh ra trong gia đình 4 đời ở quận 4, sau đó, O. và mẹ ra ở trọ rồi căn nhà được bán cho người khác. Hai mẹ con vào cơ sở Thảo Đàn trong tình trạng không có giấy tờ gì. Được cơ sở giới thiệu sang mái ấm khác, O. không ở mà đi ra ngoài sinh sống tại nhiều nơi. Khi trưởng thành, O. sinh con và đến nay vẫn không có giấy tờ tùy thân.
Một trường hợp khác là T. (SN 1983), mồ côi cha mẹ và cũng được cơ sở hỗ trợ. Sau khi trưởng thành, T. đi làm ở Bình Dương và lập gia đình. Đến nay, T. đã được cấp căn cước. Khi có, T. trở lại cơ sở khoe với bà Ngân, kể lại những vất vả lúc chưa có giấy tờ quan trọng này.
Theo bà Ngân, nguyên nhân khiến các em không có giấy tờ rất đa dạng, một phần trong đó vì nghèo khó, rời quê lên TP HCM làm ăn sinh sống.
"Cha mẹ rời nơi cư trú lâu ngày không về địa phương nên trẻ không có giấy tờ; nhiều người bán nhà không còn hộ khẩu, không đăng ký tạm trú tạm vắng; ba mẹ không có giấy tờ nên không có giấy chứng sinh" - nữ Giám đốc Cơ sở Bảo trợ Xã hội Thảo Đàn dẫn chứng thêm.
Làm giấy tùy thân, cho đi học
Đối với những trường hợp chưa có giấy tờ tùy thân, thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (PC06, Công an TP HCM), cho biết rất quan tâm và mong muốn cơ quan chức năng quận 3 cùng các quận liên quan sớm giải quyết. Nếu có khó khăn vướng mắc thì liên hệ PC06 để được hướng dẫn, giúp các em có cuộc sống tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Nga (Ban Văn hóa - Xã hội) cho rằng quận 3 có 79 trẻ trong các cơ sở, mái ấm và cần rà soát để bảo đảm các em nhận được chế độ tốt nhất. Cùng với đó, hỗ trợ các em học văn hóa, học nghề.
"Ngoài các em ở các mái ấm thì cũng cần quan tâm trẻ có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng dân cư, nếu các em cần hỗ trợ thì quận 3 phối hợp cơ quan chức năng để giải quyết" - bà Nga lưu ý.
Sáng cùng ngày, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM có buổi khảo sát tương tự tại TP Thủ Đức. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Thủ Đức cho biết trên địa bàn có 10 trung tâm bảo trợ và trung tâm tâm thần với 2.096 nhân khẩu. Các cơ quan chức năng đã cấp định danh điện tử cho 858 người, có 476 người chưa đến tuổi cấp căn cước.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Thủ Đức cũng cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào hệ thống dữ liệu dân cư đối với 140 nhân khẩu do những nhân khẩu này không đủ điều kiện để đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật. Đối với 622 trường hợp không có giấy khai sinh, các đơn vị có liên quan đã cấp giấy khai sinh cho họ để có cơ sở nhập thông tin vào hệ thống dữ liệu dân cư, giải quyết cư trú và cấp định danh, căn cước.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Trao đổi riêng với Báo Người Lao Động, thượng tá Hồ Thị Lãnh thông tin qua rà soát, địa bàn TP HCM có 2.934 trường hợp nhân khẩu đặc biệt diện không có giấy tờ tùy thân. Công an TP HCM đã phối hợp cấp thông báo số định danh cho 2.350 trường hợp, trong đó cấp căn cước cho 1.201 người, còn lại 1.149 người khai báo nơi ở hiện tại và chưa đủ điều kiện cấp căn cước. Dự kiến ngày 1-7, khi Luật Căn cước 2023 có hiệu lực sẽ tiến hành cấp căn cước cho số công dân này
"Trong năm 2024, Công an TP tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố duy trì thực hiện thường xuyên Kế hoạch 1878/KH-BCĐ với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, không để trường hợp người dân nào không có thông tin trên hệ thống dữ liệu dân cư. Phương châm là dễ làm trước, khó làm sau và vướng đến đâu, gỡ đến đó. Qua đó, mang lại niềm hạnh phúc cho những người yếu thế" - thượng tá Hồ Thị Lãnh nói.
Bình luận (0)