Ngày 14-4, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, chủ trì buổi giám sát kết quả triển khai Nghị quyết 02/2022 của HĐND TP HCM về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh thật sự khó khăn trên địa bàn thành phố.
Chính sách nhân văn
Nghị quyết 02 hỗ trợ cho các nhóm đối tượng "cận kề các tiêu chí" của Nghị định 20/2021. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, nghị quyết được ban hành trong bối cảnh cả nước nói chung và TP HCM nói riêng đang tập trung khắc phục hậu quả dịch COVID-19. Thành phố đã dành 21 tỉ đồng để chi cho 5 nhóm đối tượng theo đề xuất tại nghị quyết. Các cơ quan trung ương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ, người dân và tỉnh, thành bạn đánh giá rất cao về tính kịp thời, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách.
Nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc được nêu ra tại buổi giám sát
Tuy nhiên, việc triển khai nghị quyết còn một số tồn tại. Trong đó, quản lý thông tin, dữ liệu các nhóm đối tượng chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn dẫn đến việc rà soát, xét duyệt hồ sơ đạt tỉ lệ thấp và địa phương không lý giải được lý do.
Điển hình như số liệu báo cáo về trẻ em mồ côi được chăm lo Tết Nguyên đán năm 2023 không được hưởng từ Nghị định 20 là 6.326 trẻ em, trong khi việc xét duyệt hồ sơ đề xuất cho trẻ mồ côi theo Nghị quyết 02 là 533 trẻ em, tỉ lệ 8,42%. Sự quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chính sách cho các nhóm đối tượng ở một số nơi chậm, đến thời điểm hiện nay vẫn còn 5/22 đơn vị (quận 1, quận 7, quận 12, quận Tân Bình và huyện Bình Chánh) không báo cáo việc xét duyệt và chi trả cho đối tượng...
Tính thêm giải pháp
Phát biểu tại buổi giám sát, đại biểu HĐND TP HCM Tăng Hữu Phong cho rằng Nghị quyết 02 mang tính nhân văn nhưng kết quả thực hiện thấp cũng có nguyên nhân từ việc tổ chức triển khai chậm. Ông đề nghị các đơn vị liên quan có giải pháp để đẩy nhanh công việc và hỗ trợ người dân trong việc làm hồ sơ, đặc biệt là đối tượng thuộc nhóm 3 và 5.
Đại biểu Nguyễn Thị Nga nêu ý kiến đến cuối năm nay Nghị quyết 02 hết hiệu lực, vì vậy cần nhanh chóng rà soát và mạnh dạn đề xuất bổ sung để hỗ trợ người dân toàn diện, đầy đủ hơn. Bà đề nghị có bộ cẩm nang hướng dẫn đồng bộ các chính sách chăm lo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn thành phố. Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt đặt vấn đề về công tác truyền thông đến người dân. Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin phải từ nhiều nguồn để toàn diện, không bỏ sót đối tượng được hưởng chính sách.
Trước ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho hay sẽ khắc phục những mặt chưa làm được và xây dựng tuyên truyền để thực hiện Nghị quyết 02 tốt hơn.
Phải nhanh hơn
Kết luận buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình cho hay số trẻ mồ côi trên địa bàn thành phố là 6.326 cháu, Sở LĐ-TB-XH TP HCM cần khảo sát bao nhiêu trẻ nằm trong diện của Nghị định 20, bao nhiêu trẻ nằm trong diện Nghị quyết 02, bao nhiêu trẻ là con nhà khá giả, số còn lại vì sao không được hỗ trợ... để tính toán về thủ tục pháp lý rồi bổ sung vào Nghị quyết 02.
"Đây là chính sách nhân văn nên việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 02 là cần thiết nhưng nếu thuyết phục được đại biểu thì ít nhất phải đánh giá được hiệu quả nghị quyết. Con số đầu tiên theo báo cáo tác động của chính sách là 4.474 trường hợp nhưng đến nay mới có 1.443 trường hợp được hỗ trợ. Như thế tỉ lệ còn rất thấp, phải rà soát lại để làm rõ thêm" - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội nói.
Nhắc tên một số địa phương đạt kết quả rất thấp, ông Cao Thanh Bình đề nghị khắc phục khó khăn để triển khai nhanh hơn nữa bởi làm chậm là thiệt thòi cho đối tượng yếu thế.
Ông Cao Thanh Bình đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP HCM tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị, cố gắng tháng 8-9 có sơ kết nghị quyết để tháng 10-2023 kịp hoàn chỉnh hồ sơ trình điều chỉnh nghị quyết, bổ sung thêm nhóm đối tượng và kéo dài thời gian.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở LĐ-TB-XH và BHXH thành phố phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ tốt hơn cho học sinh khó khăn và không phát sinh thêm thủ tục nào. "Danh sách đối tượng được gửi về ngành giáo dục. Nhà trường thấy danh sách thì không thu học phí, thu tiền mua bảo hiểm. Nếu trường hợp được phê duyệt thì ngân sách chi luôn, còn nếu không được phê duyệt thì đóng trễ một chút chứ không vấn đề gì hết. Đừng làm kiểu chắc ăn thu trước rồi tính sau. Đối tượng này khó khăn, ngay từ đầu năm học gia đình đỡ được khoản nào thì bớt gánh nặng. Của cho không bằng cách cho" - ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.
5 nhóm đối tượng được hỗ trợ
Nghị quyết 02 quy định 5 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Cụ thể là người cao tuổi; người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và bị người còn lại bỏ rơi, sống với ông, bà hoặc người nuôi dưỡng nhưng hiện nay ông, bà hoặc người nuôi dưỡng đều đã tử vong; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại có mức thu nhập bằng hộ nghèo; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại có mức thu nhập bằng hộ cận nghèo. So với dữ liệu đề xuất đầu vào xây dựng Nghị quyết 02 cho thấy việc xét duyệt chính sách cho các nhóm đối tượng đạt tỉ lệ lần lượt 56,37%, 32,19%, 4,91%, 92,51%, 9,78%.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP HCM, tính đến ngày 12-4-2023 chỉ có 17/22 đơn vị báo cáo việc xét duyệt và chi trả cho 1.443 người theo quy định tại Nghị quyết 02 với tổng kinh phí hơn 7,9 tỉ đồng.
Ông Cao Thanh Bình đề nghị Sở LĐ-TB-XH thành phố có văn bản gửi chủ tịch UBND 5 quận, huyện không gửi số liệu báo cáo. "Đã nhiều lần nhắc, trao đổi, tuy nhiên đến giờ vẫn không có số liệu báo cáo. Chúng tôi sẽ báo cáo lên Thường trực HĐND TP HCM có chọn các đơn vị này để đi giám sát hay không" - ông Cao Thanh Bình nói.
Bình luận (0)