Phạm Trần Anh Thư (sinh viên ngành quản trị nhân lực) đi đâu cũng kè kè bình nước cá nhân. Thói quen này của cô bắt nguồn từ suy nghĩ phải cố gắng giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Thói quen nhỏ, lợi ích lớn
Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh song cũng là lúc biến đổi khí hậu vô cùng nghiêm trọng, nhiều bạn trẻ gen Z sớm hình thành nhận thức về những tác động của con người đối với Trái đất.
Nhờ đặc tính chung là sự nhạy bén, có tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết, muốn đóng góp lời giải đối với những vấn đề nóng toàn cầu nên giới trẻ rất chịu khó tìm hiểu và đưa ra hành động phù hợp bối cảnh. "Sống xanh" trở thành từ khóa phổ biến với gen Z và Anh Thư không là ngoại lệ.
Từ khi còn học phổ thông, Anh Thư đã bắt đầu quan tâm sâu sắc đến vấn đề môi trường. Cô là người mỗi ngày đều đặn mua nước, trà sữa bên ngoài. Việc này cũng đồng nghĩa là phải thải ra lượng lớn ly nhựa. Theo dõi các video, kênh của người nổi tiếng trên mạng xã hội, cô dần có ý thức dùng bình hoặc ly cá nhân khi vào bất cứ quán nước nào và kiên trì giữ thói quen ấy.
Không riêng gì Anh Thư, nhiều người trẻ cũng có chung thói quen hạn chế rác thải nhựa, các loại túi ni-lông, hộp dùng một lần. Vì thế, họ rất chịu khó mang theo bình nước, hộp đựng khi có nhu cầu mua đồ ăn, thức uống bên ngoài.
Sống xanh trở thành một phần tự nhiên và gần gũi trong đời sống giới trẻ. Với Nguyễn Thị Sen (sinh viên ngành marketing) thì lối sống xanh được hình thành từ bao điều đơn giản, dễ thực hiện. Ngoài việc ưu tiên dùng bình nước thay cho các loại ly nhựa, cô cùng các bạn ở ký túc xá hay rửa sạch những loại bao bì, phơi khô và tái sử dụng khi cần thiết.
Gia đình là một nguồn động lực giúp Sen duy trì lối sống xanh khi mẹ cô thường gửi thực phẩm hữu cơ từ quê lên thành phố cho con gái. "Việc chọn lọc thực phẩm để ăn lành cũng góp phần giúp tôi theo đuổi lối sống xanh và nâng cao sức khỏe. Tôi và bạn bè còn thiết lập thói quen phân loại rác thải" - Sen kể.
Càng trưởng thành, nắm giữ tương lai tiêu dùng, nhiều bạn gen Z càng hiểu rõ kết quả từ quyết định của mình. Do đó, với những bạn trẻ sống xanh, thời trang nhanh không còn hấp dẫn họ nữa vì đó là tác nhân gây hại đáng kể cho Trái đất.
Những năm qua, Sen đã thay đổi thói quen mua sắm quần áo. Cô chú trọng chất lượng và kiểu dáng tối giản, thay vì số lượng hay chạy theo xu hướng nhất thời.
Cần sự chung tay
Không chỉ dừng lại ở lối sống cá nhân, Nguyễn Thị Sen còn đang dẫn dắt một dự án cộng đồng về môi trường ở trường đại học.
Truyền thông là công cụ hữu hiệu để truyền tải thông điệp ý nghĩa đến công chúng. Lê Phan Ngọc Khánh đã có sự thay đổi tích cực về nhận thức, hành vi từ các phương tiện truyền thông và cũng dùng mạng xã hội để thường xuyên lan tỏa những điều hữu ích, những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ngọc Khánh từng chứng kiến nhiều người thân, bạn bè gặp vấn đề về sức khỏe, nhất là hô hấp, do ô nhiễm không khí. Cô trăn trở và muốn thay đổi từng bước như tiết kiệm điện, nước... và dùng các dòng mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp thuần chay, không thử nghiệm trên động vật cũng như các thương hiệu có chính sách tái chế bao bì. Cô gái 22 tuổi nhận định: "Giới trẻ ngày càng linh hoạt, thích nghi với điều mới và sẵn sàng hành động để góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu".
Những ngày này, Ngọc Khánh đang tích cực chia sẻ thông tin về Giờ Trái đất đến người thân và bạn bè. Nhiều bạn trẻ khác cũng có kế hoạch hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2024. Họ tiếp tục cùng nhau tạo nên những tác động tốt cho thiên nhiên, môi trường thông qua các việc làm đa dạng.
Sự kiện tắt đèn trong vòng 1 giờ hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2024 sẽ diễn ra từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút thứ bảy, ngày 23-3. Các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất lồng ghép với chương trình tiết kiệm điện của địa phương theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo).
Chỉ thị 20 cũng đang được triển khai mạnh mẽ ở nhiều tỉnh, thành; qua đó đóng góp vào những nỗ lực chung của thế giới nhằm chống lại biến đổi khí hậu.
Bình luận (0)