Mở đầu, dự thảo viết: "Tôi đã nhận được thư của các ông đề nghị tôi nói vài lời với nhân dân Nhật Bản nhân dịp đầu năm 1967…". Cuối thư, dự thảo có câu: "Chúc nhân dân Nhật Bản thu được nhiều thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ của Nhật Bản và vì hòa bình ở châu Á và thế giới".
Dự thảo được trình lên Bác. Người xóa bỏ tất cả những chữ "thu nhiều thắng lợi"… cho đến "châu Á và thế giới"; thay vào đó 4 chữ "muôn sự tốt lành" rồi viết thêm: "Chúc quý báo và bạn đọc hạnh phúc".
Trong câu mở đầu, Bác xóa 3 chữ "đã nhận được" và dòng "đề nghị tôi…"; Người viết: "Tôi cảm ơn thư của các ông...". Hàm ý là "nhận được" thì có thể bỏ đi, có thể quên, có thể không nhận được…, song "cảm ơn" thì khác, thể hiện rõ sự trân trọng, thân thiết, nghĩa tình. Ở đoạn cuối, Bác bỏ ý "chúc" và những nội dung mang ý "nhắc nhở" người ta phải làm việc gì đó; thay bằng 4 chữ ngắn gọn, sâu sắc và thực sự thuần túy là lời chúc, vì làm sao Người có thể "nhắc nhở" đất nước khác, nhân dân nước khác được!
Bức thư chỉ 120 chữ này được in trong "Hồ Chí Minh toàn tập", tập 15, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật năm 2011, trang 214.
Xuyên suốt bức thư, chúng ta thấy rõ sự cẩn thận, chăm chút, tỉ mỉ, ý tứ sâu xa và cách dùng từ ngữ hàm súc của Bác Hồ trong một bức thư ngắn. Từ đó, ta có thể học được rất nhiều điều trong hoạt động thực tiễn, nhất là đối với các mặt công tác của cán bộ, công chức.
Đó là phải luôn thể hiện thái độ trân trọng với các đối tác, với người dân, dù trong giao tiếp trực tiếp hay trong văn bản. Cần thể hiện được chuẩn mực ứng xử của cơ quan công quyền như khách quan, công tâm, tôn trọng…, cả trong cách diễn đạt lẫn hình thức. Phải tránh việc trao đổi hay soạn văn bản tỏ ra cung kính quá mức với cấp trên nhưng lại không mang ý tôn trọng cấp dưới hoặc với người dân.
Đó là phải thực sự chặt chẽ trong từng câu chữ, lời lẽ. Các văn bản phải bảo đảm rõ vai của từng chủ thể (như trao đổi, xin ý kiến, truyền đạt, chỉ đạo…), không thể nhầm từ vai này sang vai kia; ngôn ngữ phải trong sáng, cụ thể, rõ ràng, không để có những cách hiểu khác nhau; tránh hiện tượng chữ nghĩa rổn rảng, "đao to búa lớn" mà nội dung thì không rõ hoặc thông tin hạn chế; kể cả trong trường hợp có những cách diễn đạt mang tính xã giao, ít nhiều khách sáo thì vẫn phải chặt chẽ, chính xác, có ý nghĩa chứ không thể sáo rỗng.
Đó là phải luôn cô đọng, ngắn gọn. Diễn đạt súc tích thực sự là một kỹ năng quan trọng, dù thể hiện ở văn bản hay trao đổi trực tiếp. Do đó, phải chọn thông tin, dữ liệu, lý lẽ, ngôn từ sao cho thật phù hợp, trực tiếp, cụ thể, sắc gọn và diễn đạt bằng cách thức ngắn nhất có thể, tránh "dây cà ra dây muống". Chẳng hạn, trong việc trao đổi, giải thích cho người dân hiểu, cần chọn lọc những ý liên quan trực tiếp đến thắc mắc, nhu cầu của người dân, tránh vòng vo, chung chung…
Đó là luôn giữ ý "cảm ơn" trong các trường hợp. Trong văn hóa công sở, hiện nay cán bộ, công chức được yêu cầu phải thực hiện "4 xin, 4 luôn": xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Thế nhưng, việc "cảm ơn" không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ nét bằng thái độ trân trọng. Trong ứng xử với người dân, phải tránh thái độ ban phát, làm ơn mà phải xem việc mình làm là trách nhiệm, bổn phận; đồng thời xem việc phối hợp của người dân chính là giúp mình hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chỉ qua việc Bác Hồ sửa một bức thư ngắn, chúng ta có thể học được rất nhiều điều sâu sắc, cả trong công việc lẫn trong ứng xử. Điều đó cho thấy việc học tập và làm theo Bác luôn có ý nghĩa thiết thực, đặc biệt là với cán bộ, công chức, đảng viên.
Bình luận (0)