Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo tăng thêm hạn mức tín dụng bình quân 3% cho các ngân hàng thương mại, phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn nhanh Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú để làm rõ hơn mục đích của việc nới room tín dụng lần này.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nói về mục đích của việc nới room tín dụng.
*Phóng viên: Trong bối cảnh dư nợ cho vay tăng trưởng chậm nhưng vì sao NHNN lại tăng thêm room tín dụng (hạn mức cho vay) đối với từng ngân hàng thương mại?
- Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú: NHNN đã tính toán được tăng trưởng tín dụng của năm 2023 không ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. Đồng thời, nền kinh tế đang có dấu hiếu khởi sắc, báo hiệu nhu cầu vốn doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ mạnh lên.
Thế nên, sau khi cấp room tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng là 11%, NHNN quyết định điều chỉnh tăng thêm hạn mức cho vay bình quân 3% cho mỗi ngân hàng thương mại, đưa hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên mức cao nhất như đã đặt ra từ đầu năm 2023 là 14%.
*Đến ngày 30-6, dư nợ tín dụng đạt trên 12,4 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Như thế, sau khi điều chỉnh tăng trưởng tín dụng, số tiền hệ thống ngân hàng bơm thêm cho nền kinh tế là bao nhiêu?
- Với tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2023 là 14%, ước tính số tiền từ nay đến cuối năm các ngân hàng thương mại có thể cung ứng thêm cho nền kinh tế trên 1 triệu tỉ đồng.
*Giải pháp chính cho các ngân hàng thương mại đẩy mạnh vốn ra thị trường là gì, thưa ông?
- Việc này NHNN sẽ thảo luận kỹ với các ngân hàng thương mại tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm diễn ra trong vài ngày tới. Tuy nhiên, các giải pháp căn cơ để đưa vốn ra thị trường là ngân hàng thương mại đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa trong việc hạ lãi suất, giãn và hoãn nợ, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp... để họ có thể tiếp tục tục vay mới.
Đồng thời, bản thân doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại hoạt động, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần phải giải quyết tốt hàng tồn kho của doanh nghiệp... Khi đó, tín dụng mới có đà tăng trưởng mạnh.
Bình luận (0)