Năm nay, trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, UBND TP HCM đã cho phép triển khai chương trình khuyến mại tập trung "Shopping Season" kéo dài từ ngày 15-6 đến 15-9. Các doanh nghiệp (DN) sẽ tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại với mức giảm giá hấp dẫn, có thể lên đến 100% giá trị hàng hoá.
* Phóng viên: Vì sao chương trình khuyến mại tập trung của TP HCM lần này kéo dài đến 3 tháng thay vì chỉ 1 tháng như thông lệ, thưa ông?
- Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM: Năm nay, tình hình sản xuất - kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp thúc đẩy cầu tiêu dùng, làm gia tăng sức mua để hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa là hết sức quan trọng.
Khác với mọi năm, chương trình khuyến mại tập trung 2023 sẽ chia làm 2 đợt, mỗi đợt trong 1 tháng. Năm nay, Sở Công Thương đã mạnh dạn đề xuất UBND TP HCM triển khai thực hiện liên tục trong 3 tháng, từ ngày 15-6 đến 15-9, giúp DN chủ động triển khai những chương trình khuyến mại dài hơi, người tiêu dùng tiếp cận nguồn hàng hóa với giá tốt và gia tăng sức mua.
Do thời gian kéo dài, chương trình sẽ có những điểm nhấn để hoạt động khuyến mại đi vào thực chất, từng bước xây dựng thương hiệu mua sắm cho TP HCM. Cụ thể, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, như phối hợp với Sở Du lịch tổ chức lễ hội sông nước.
Cũng trong đợt này, chúng tôi phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Báo Tuổi Trẻ triển khai hoạt động tuyên truyền cho đề án không dùng tiền mặt, qua đó giúp người dân có thêm phương tiện, điều kiện thanh toán phù hợp, an toàn.
Ngoài ra, trong tháng 9, chương trình sẽ tổ chức khuyến mãi đối với nhóm sản phẩm hàng hiệu, tập trung vào phân khúc khách hàng có thu nhập cao.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nói về chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 của TP HCM
* Năm nay, ngoài các siêu thị và cửa hàng, tiểu thương và thương nhân chợ truyền thống cũng tham gia, hưởng ứng chương trình?
- Đến nay, lượng DN đăng ký tham gia chương trình đã tăng so với năm rồi. Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền và vận động DN tham gia thông qua các sở, ngành, hiệp hội, hội ngành nghề.
Đối với kênh phân phối truyền thống ở các chợ, công tác triển khai hoạt động khuyến mại còn khó khăn so với các hệ thống hiện đại. Cần phải có nghiên cứu sâu hơn để đánh giá kỹ lưỡng về các vấn đề khó khăn, các lý do chưa thành công trong việc triển khai và tìm ra nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp điều chỉnh và có hướng đi thích hợp.
* Làm sao để chương trình đi vào thực chất, phát huy hiệu quả kích cầu tốt nhất?
- Cái khó nhất hiện nay là tổ chức khuyến mại, nếu không thực chất sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Chính vì vậy, bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, chúng tôi phải tính toán những giải pháp bảo đảm cho hoạt động này đi vào thực chất thông qua việc phối hợp với các sở, ngành và tính toán có sự chia sẻ, tham gia đồng lòng của tất cả chủ thể trong một chuỗi chung.
Chúng tôi dự kiến sẽ phối hợp với Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan bàn bạc, công bố một số tour du lịch thí điểm, trong đó có sự tham gia của các đơn vị vận tải như hàng không, công ty xe khách, công ty lữ hành, đơn vị lưu trú và kể cả những hệ thống phân phối. Chúng tôi đưa khách tới tham quan, mua sắm ở những hệ thống phân phối. Tất cả đơn vị tham gia đều tính toán giảm giá và cộng hưởng tất cả những giảm giá đó để tạo lợi ích lớn hơn so với việc người tiêu dùng tự đi mua sắm, du lịch.
Làm được như vậy, việc kiểm soát tính thực chất hoạt động khuyến mại của các chủ thể tham gia sẽ rất đơn giản và cụ thể. Nếu thành công, có thể nhân rộng mô hình này, từng bước bảo đảm cho hoạt động khuyến mại tập trung đi vào thực chất, đem lại hiệu quả thiết thực cho xã hội.
* Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)