Bộ Tài chính cho biết theo báo cáo của các bộ ngành, địa phương, tổng số cơ sở nhà, đất theo phạm vi sắp xếp hiện tại là 256.652 cơ sở. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 182.047 cơ sở nhà, đất; hiện vẫn còn 74.605 cơ sở chưa được phê duyệt.
Theo Bộ Tài chính, công tác tổ chức thực hiện sau khi phương án duyệt còn phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, một số quy định pháp luật hiện hành còn chưa đủ rõ hoặc không còn phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, hoặc trong quá trình thực hiện còn phát sinh vướng mắc.
Về một số vướng mắc cụ thể, Bộ Tài chính nêu rõ phạm vi và đối tượng thực hiện sắp xếp rộng, khi sắp xếp phát sinh vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật, đặc biệt là việc sắp xếp lại nhà, đất của các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 100% vốn điều lệ...
Cùng với đó, thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp và quyết định xử lý cụ thể đối với từng cơ sở nhà, đất còn nhiều trường hợp giao cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện, nhất là đối với các cơ sở nhà, đất do trung ương quản lý dẫn tới quy trình thực hiện lại kéo dài.
Để khắc phục các vướng mắc nêu trên nhằm đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tránh lãng phí nguồn lực cho ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương trong phê duyệt phương án sắp xếp lại và quyết định xử lý nhà, đất phân cấp cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan trung ương, sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện trong việc lập phương án, chủ trì kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất.
Bên cạnh đó, để việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt hiệu quả, tại dự thảo cũng quy định cụ thể các trường hợp phải làm thủ tục thay đổi phương án xử lý đã được phê duyệt; đồng thời quy định rõ hơn về quy trình thực hiện để thống nhất cách hiểu, cách làm.
Nhà, đất được phê duyệt phương án tạm giữ lại tiếp tục sử dụng, việc xử lý nhà, đất sau khi chấm dứt việc sử dụng không đúng quy định thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định, không phải làm thủ tục thay đổi phương án.
Hiện Bộ Tài chính đang tiếp tục lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo nghị định, với mục tiêu quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công.
Bình luận (0)